Thursday, October 20, 2011

Akira Kurosawa

Dreams


by Đỗ Hòa
Được mệnh danh là đạo diễn “Tây” nhất trong số các đạo diễn Nhật, người đã chứng tỏ khả năng tiếp cận thế giới một cách cao độ cả về những giá trị tư tưởng nội dung lẫn hình thức biểu hiện nghệ thuật trong phim và trở thành một đạo diễn Châu Á có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử điện ảnh thế giới, Akira Kurosawa vẫn cho người xem thấy mình vẫn là một người Nhật với những tư tưởng mang đậm văn hóa truyền thống của xứ sở mặt trời mọc.
Những tác phẩm điện ảnh của mình Kurosawa không chỉ khiến người Nhật giật mình, ngạc nhiên bởi nét Tây hóa mà ông là người khai mở trong những bộ phim “đóng mác” Nhật mà còn khiến thế giới phải trầm trồ trước những tư tưởng truyền thống được thể hiện một cách rõ nét như thể đã ăn sâu vào trong máu thịt của ông để rồi truyền tải lại qua từng cảnh phim. Nếu như người xem thấy được đời sống của những hạng người rất khác nhau trong xã hội Nhật năm xưa, từ võ sĩ sumurai đến tên cướp hay thân phận của người phụ nữ Nhật qua những câu chuyện và lời kể của họ trong Rashomon hoặc hình ảnh những võ sĩ đạo đậm chất Nhật trong Seven Sumurai thì “Akira Kurosawa’s Dreams” lại như một lời tự sự của Kurosawa – một người Nhật bằng ngôn ngữ điện ảnh vừa truyền thống vừa hiện đại.
Akira Kurosawa’ s Dreams – Giấc mơ của Akira Kurosawa là tập hợp của tám bộ phim ngắn với nội dung khác nhau. Mỗi bộ phim là một giấc mơ – thực chất là một câu chuyện, một biến cố mang theo những kinh nghiệm, bài học mà theo như cách tự sự của Akira Kurosawa thì chính là những điều đã xảy ra trong các quãng đời khác nhau của ông. Kurosawa đã trải nghiệm những điều đó và giờ bằng ngôn ngữ điện ảnh rất riêng, ông kể câu chuyện của cuộc đời mình – cuộc đời một người đàn ông Nhật.
Mở đầu cho bộ phim là giấc mơ “Cầu Vồng”. Đó là câu chuyện về một cậu bé đã tò mò mà đi xem đám rước của họ nhà cáo trong một buổi trời vừa mưa vừa nắng. Sự tò mò muốn biết đám rước ấy diễn ra thế nào của cậu bé đã khiến họ nhà cáo tức giận. Một con cáo đã tìm đến nhà, đưa cho mẹ cậu bé một con dao và yêu cầu cậu bé phải “tự xử”. Người mẹ không cho cậu vào nhà, buộc cậu phải tìm kiếm sự tha thứ từ họ nhà cáo mặc dù điều đó là rất khó khăn. Vậy là cầm con dao của họ nhà Cáo – cũng là nắm lấy nguy hiểm, thách thức trong bàn tay nhỏ bé của mình, cậu bé đi tìm gia đình cáo để xin lỗi. Bằng một câu chuyện nhẹ nhàng được gắn kết một cách khéo léo trong tích dân gian, Kurosawa đã cho người xem cảm nhận được bài học đầu đời của một cậu bé. Đó là việc phải sẵn sàng đón nhận, sẵn sàng đương đầu với những khó khăn do chính mình tạo ra. Hay nói một cách khác là phải chịu trách nhiệm với hành động của mình, dù chỉ là một cậu bé. Cùng với bài học về trách nhiệm, “Cầu vồng” cũng gợi mở cho người xem niềm tin, sự lạc quan đầy hi vọng. Hình ảnh một cậu bé đang phải đối mặt với sự trừng trị của họ nhà cáo ra đi để tìm kiếm sự tha thứ không khiến người xem cảm thấy lo sợ. Sự ra đi đó giống như một hành trình của sự trưởng thành, hành trình để tìm thấy vẻ đẹp sau những khó khăn, gian khổ. Cứ cầm lấy con dao – cứ nắm lấy nguy hiểm mà đi về phía trước, rồi sẽ thấy cầu vồng. Với Kurosawa, triết lí ấy, được biểu hiện nhẹ nhàng mà vô cùng sâu sắc trong hành trình của một cậu bé.
Sau hành trình đi tìm sự trưởng thành, Kurosawa tiếp tục để cậu bé – tuổi thơ của chính mình đối mặt với sự mất mát và nỗi đau đầu đời cùng “Giấc mơ vườn đào”. Câu chuyện được mở ra vào ngày lễ hội búp bê – một lễ hội truyền thống của người Nhật Bản. Cậu bé mang đồ ăn lên cho chị gái và những người bạn của chị mình. Nhưng trong khi cậu khăng khăng là có sáu người trong nhóm các bạn chị thì người chị lại bảo rằng chỉ có năm người. Khi mở cửa đi ra khỏi phòng của chị gái, cậu bé là người duy nhất nhìn thấy một cô gái nhỏ trong bộ kimono màu hồng nhạt. Chạy theo cô, cậu bé đã ra đến vườn đào của gia đình mình. Cậu bé thấy cô bé chạy lên những luống cao hơn của vườn đào và đang định chạy theo thì bỗng xuất hiện rất nhiều người trong trang phục của những con búp bê Nhật. Họ chính là linh hồn của những cây đào. Những búp bê – linh hồn của những cây đào trách cậu và gia đình đã chặt hết những cây đào mà không biết rằng ngày hội búp bê được gắn với những cánh hoa đào  – hoa đào là linh hồn tự nhiên của lễ hội búp bê. Những con búp bê cũng nói với cậu bé là họ sẽ không quay trở lại với gia đình cậu nữa vì gia đình cậu không hiểu được ý nghĩa của lễ hội một cách thực sự. Thế nhưng, khi biết được cậu bé là người tốt, đã cố gắng ngăn cản việc vườn đào bị chặt thì những búp bê quyết định múa và hát một điệu nhạc truyền thống, gọi những cánh hoa đào về. “Giấc mơ vườn đào” không chỉ là cái nhìn trong trẻo qua con mắt của trẻ thơ về một lễ hội truyền thống mà còn là nỗi đau, sự mất mát đầu tiên mà cậu bé đón nhận. Cũng qua đó, bài học về sự gắn kết giữa thiên nhiên – môi trường sống với phong tục tập quán truyền thống của người Nhật cũng được Kurosawa nhắc đến, đầy tự nhiên.
Nếu như “Cầu Vồng” và “Giấc mơ vườn đào” là sắc màu tươi tắn, trong trẻo của một tâm hồn trẻ thơ thì đến năm giấc mơ sau, gồm “Bão tuyết” , “Đường hầm”, “Đàn quạ”, “Núi Phú Sĩ rực lửa”, “Bầy quỷ than khóc”, người xem nhận thấy nhiều hơn những khó khăn, những u tối trong cuộc sống mà khi trưởng thành, con người ta phải đối mặt. Chỉ thấp thoáng đôi phút ngọt ngào, đầy lãng mạn của giấc mơ về niềm đam mê trong “Đàn quạ” còn lại ở bốn giấc mơ khác đều là những nỗi đau, những khổ cực mà con người ta từ có thể vượt qua đến hay phải chịu đựng trong sự bất lực.  “Bão tuyết” là hành trình của bốn con người trên đỉnh núi trong bão tuyết. Đã ba ngày, tuyết không ngừng rơi, gió lớn không ngừng thổi, tất cả họ đều đi trong lặng câm, mệt mỏi và ý muốn từ bỏ, gục xuống đã trỗi dậy trong ba người. Chỉ còn lại một con người, với đôi mắt luôn cố gắng mở to nhằm tìm kiếm đường đi, xác định phương hướng đồng thời kêu gọi những người còn lại phải tỉnh táo, kiên trì. Ba trong số họ đã không còn muốn cố gắng, gục xuống sau những cãi vã với người dẫn đường. Bản thân người dẫn đường dường như cũng cạn kiệt sức lực và ngã quỵ. Trong những giây phút chập chờn nửa tỉnh, nửa mơ ấy, giấc mộng về sự ấm áp của tuyết, sự nóng bỏng của băng đá được dụ dỗ bởi một người đàn bà đẹp. Cố gắng vượt thoát khỏi sự cám dỗ, người dẫn đầu bừng tỉnh, con quái vật ngụy trang trong dáng vẻ người đàn bà đẹp biến mất. Người dẫn đường kéo những người bạn của mình và họ thấy lều của mình, cách đó vài bước chân. Đó là bài học của nghị lực, của sức mạnh đấu tranh với chính bản thân mình và cố gắng không ngừng trong những hoàn cảnh khó khăn, gian khổ nhất. Nếu không có điều đó, bản thân sẽ bị ru ngủ và cái chết ập đến.
Sau “Bão tuyết”, Kurosawa dẫn người xem vào một “Đường hầm” với nỗi ám ảnh tội lỗi của những góc khuất đen tối trong tâm hồn con người. Một người lính trên đường trở về nhà, khi đi đến trước một đường hầm tối, bỗng xuất hiện một con chó trên mình có gắn thuốc nổ. Con chó – như biểu tượng chó canh từ địa ngục đã dẫn người lính vào thế giới của những âm hồn, đầy ám ảnh và vương vấn với thế gian. Đó là người lính nhớ nhà, thương bố mẹ đau đớn tự hỏi có phải mình đã chết không. Đó là cả một trung đội đã bị tiêu diệt vẫn ngỡ mình vừa đi làm nhiệm vụ về. Họ là những linh hồn nhưng cũng là nỗi ám ảnh của chính người lính, viên sĩ quan – đã sống sót trở về từ trong một cuộc chiến tranh vô nghĩa, ngu ngốc như những gì anh đã nói. Cuộc gặp gỡ của những con người – giờ ở hai thế giới thực chất là cuộc tự vấn lương tâm của nhân vật, là lúc để nhân vật bộc lộ những ám ảnh đang được chất đầy trong tâm trí mình. Đó cũng là cách mà Kurosawa tuyên chiến với chiến tranh, với những nỗi đau mà nó đã gây ra cuộc sống con người.
Vượt qua “Bão tuyết”, vượt qua “Đường hầm”, nhân vật được trải mình trong thế giới của niềm đam mê với những gam màu rực rỡ, đầy tươi đẹp của cuộc sống. Đó là hành trình của một chàng họa sĩ, yêu những bức tranh của Van Gogh, lạc vào thế giới trong tranh và tìm kiếm nguồn cảm hứng của mình. Qua những bức tranh, qua những khung cảnh đẹp, người xem như nhẹ lòng sau tất cả những buồn thương vừa phải đối mặt ở phía trước và ngả mũ kính chào trước niềm đam mê. Tuy nhiên, những khoảnh khắc ngọt ngào không kéo dài lâu, Kurosawa nhanh chóng đưa người xem vào những giấc mơ mới, đau đớn và phũ phàng hơn. Giờ đây, nó không còn là những ám ảnh tâm tưởng mà nó là hiện thực phũ phàng với một loạt những nỗi đau lớn. Nỗi đau gắn liền với thảm họa phóng xạ hạt nhân. Mở đầu bằng hình ảnh núi Phú Sĩ phun lửa, Kurosawa có cái cớ để tạo nên một phép so sánh rằng thảm họa thiên nhiên kinh khủng ấy vẫn không khủng khiếp bằng việc từng lò hạt nhân đang nổ. Những sản phẩm của con người giờ đây đang giết chết chính con người. Có lẽ, cũng chính bởi vì thế mà Kurosawa đã để dành không gian của hai giấc mơ cho cùng một chủ đề về sự tàn phá của phóng xạ hạt nhân. Nó là sự biến đổi một cách kinh hoàng từ những con người thành con quỷ với những chiếc sừng, với nỗi đau quằn quại, sự xuất hiện của những bông hoa bồ công anh lớn cao hơn cả người,… Tất cả là một sự trả giá quá lớn với con người cho những gì mình đã tạo ra.
Đặt trong thế đối lập với thảm họa hạt nhân do con người tạo ra bởi chính những ham muốn tiện nghi của mình, giấc mơ cuối cùng, giấc mơ số tám “Ngôi làng của những chiếc cối xay nước” lại là sự trở về thiên nhiên của nhân vật, của Kurosawa. Trong hành trình của mình, nhân vật đã đi từ nơi mà những con quỷ đang than khóc để đến với ngôi làng đầy màu xanh của cây cỏ và rộn rã sắc màu của những loài hoa. Ở đây, con người từ chối sự tiện nghi, quên đi ánh sáng đèn điện để thấy rõ hơn những vì sao. Ở đây, người ta vui vẻ tham gia vào lễ rước để tiễn đưa những người già đã mất bởi họ đã sống một cuộc sống hạnh phúc trong thế giới thiên nhiên của mình. Ngôi làng không có tên, hình ảnh bao trùm ngôi làng chỉ là những chiếc cối xay nước -  đó thực sự là ngôi làng của cuộc sống tự nhiên, nơi mà những giá trị của cuộc sống trong lành nhất được tôn vinh. Không còn sự ồn ào, không còn nỗi đau, ngôi làng là sự yên ả và niềm hạnh phúc của cuộc sống gần gũi với đất trời. Giấc mơ cuối cùng của bộ phim giống như chiếc “Cầu vồng” mà cậu bé năm xưa giờ đã tìm thấy sau một hành trình dài. Sau quá nhiều gian khổ, buồn đau, mất mát, cậu bé năm xưa giờ đã tìm thấy được chiếc cầu vồng đẹp, tự nhiên của mình. Giấc mơ cuối là một cái nhìn tươi sáng hơn của Kurosawa. Nó kết nối với giấc mơ đầu tiên tạo nên kết cầu vòng tròn đầy trong sáng, nhẹ nhàng cho bộ phim. Nó cũng phản ánh cái nhìn đầy lạc quan tin tưởng của con người Nhật – những người luôn tìm thấy niềm hạnh phúc bằng một ý chí mãnh liệt trong hoàn cảnh khổ đau nhất.
Akira Kurosawa’ s Dreams gồm tám giấc mơ song thực chất nó là một giấc mơ lớn – một giấc mơ hiện thực mà ở đó dung chứa một cuộc hành trình dài của đời con người, từ thuở bé thơ cho đến lúc trưởng thành và về già. Trong hành trình giấc mơ – hành trình tâm tưởng ấy, con người đương đầu, đối mặt – giải quyết và lưu giữ tất cả những kí ức, từ đẹp đẽ đến buồn đau. Và đi cùng với nó, là những bài học lớn được rút ra từ những trải nghiệm. Akira Kurosawa’s Dreams vừa là giấc mơ vừa là hiện thực của chính cuộc đời Kurosawa nói riêng cũng như những người dân xứ sở hoa anh đào nói chung.
Với “Akira Kurosawa’s Dreams”, Kurosawa cũng đã thể hiện được những kỹ thuật làm phim hết sức độc đáo, riêng biệt của ông. Có thể nhận thấy, bộ phim bao gồm tám câu chuyện ngắn mà ở đó có thể tạm chia ra làm hai phân đoạn lớn. Phân đoạn đầu bao gồm bốn câu chuyện – bốn giấc mơ. Những câu chuyện – giấc mơ này mang nhiều yếu tố tâm lí tinh thần của cá nhân, nhấn mạnh đến đời sống nội tâm, tư tưởng. Trong khi đó, bốn giấc mơ sau mang nhiều yếu tố xã hội. Đáng lưu ý hơn chính là sự cân bằng của các giấc mơ ngọt ngào, lãng mạn với những giấc mơ đau thương: 2/2 – 2/2. Sự cân bằng này không chỉ giúp cho người xem cảm nhận được những trải nghiệm khác nhau trong giấc mơ – hiện thực của Kurosawa mà còn tạo ra những hình thức biểu hiện rất khác biệt về mặt nghệ thuật. Bên cạnh những đặc trưng cơ bản trong kỹ thuật phim của mình như sử dụng nhiều máy quay đối thoại, sử dụng những hiệu ứng phóng to đột ngột, cắt nhỏ mà không thay đổi ống kính máy quay hay ống kính quay xa để khiến cho nhân vật trông tự nhiên hơn, Kurosawa còn cho người xem thấy mình thực sự là một phù thủy sắc màu qua các thước phim của Dreams. Với những kiến thức căn bản được đào tạo để trở thành họa sĩ, Kurosawa rất cầu kì, đặt nhiều sự chú ý cho việc phối màu trang phục và phối cảnh. Cũng chính ở điểm này, Kurosawa đã mang theo cả văn hóa Nhật vào phim của mình.
Trong những giấc mơ “Cầu vồng”, “Giấc mơ vườn đào”, “Đàn quạ”, “Ngôi làng của những cối xay nước”, người xem như lạc vào thế giới của những sắc màu rực rỡ, nổi bật, đầy tươi sáng. Đó là sự kết hợp của rất nhiều gam màu sáng khác nhau, cho cảm giác mỗi khuôn hình như là một bức tranh được vẽ cầu kì. Từ bối cảnh thiên nhiên cho đến trang phục của nhân vật đều được Kurosawa chú ý về sự phối kết màu sắc sao cho vừa hài hòa, vừa đối lập tạo nên một sự ấn tượng về mặt thị giác. Ví như trong “Giấc mơ vườn đào”, Kurosawa đã khiến người xem ngỡ ngàng khi tạo dựng cả một thế giới búp bê bằng người thật, sống động đầy sắc màu trên nền xanh bậc thang của vườn đào. Sắc cam, sắc trắng, sắc đen,… của trang phục, của lối trang điểm cầu kì đậm chất Nhật vô cùng nổi bật trên nền xanh của của cỏ. Hay như trong “Ngôi làng của những cối xay nước”, người xem được lạc vào thế giới của tự nhiên với màu sắc của cây cỏ, hoa lá và ánh sáng trắng của tự nhiên.
Ngược lại với những giấc mơ ấm áp, lãng mạn đầy sắc màu, trong những giấc mơ về nỗi đau, sự mất mát, Kurosawa dẫn dụ người xem vào một thế giới như bị mê hoặc bởi sự xám ngắt của ám ảnh, sự lạnh lẽo, u tối của những khó khăn, khổ đau. Người xem bị chìm trong màn tuyết dày đặc, lạnh lẽo, xám xịt cùng “Bão tuyết”, rợn người trước những khuôn mặt xanh thấm đẫm buồn đau của những âm hồn người lính trong “Đường hầm” và thực sự chìm đắm trong những gam màu của địa ngục với “Núi Phú Sĩ rực lửa” – “Bầy quỷ than khóc”. Gam màu chủ đạo trong hai giấc mơ cùng một chủ đề trên là sắc đỏ của sự thiêu đốt hòa lẫn trong sắc đen xám, u ám, lạnh lẽo. Việc xử lí sắc màu đã góp phần rất lớn vào việc truyền tải ý nghĩa nội dụng, bởi phải chăng hành trình trong cuộc đời của mỗi con người cũng chính là hành trình đi tìm những gam màu sáng của cuộc đời. Tất cả những xử lý về màu sắc khi kết hợp với những cú máy quay dài, ít cắt cảnh đã giúp Kurosawa dẫn dụ người xem vào hành trình của những giấc mơ – hành trình của cuộc sống hiện thực với Akira Kurosawa’s Dreams.

No comments:

Post a Comment