Sunday, October 2, 2011

Alfred Hitchcock

Alfred Hitchcock
Ông vua phim kinh dị



Nổi tiếng là bậc thầy của những khung cảnh không thể không xem và không thể bàn luận, những cảnh như những trận mưa dao, những trận đánh nhau bằng bình phun thuốc sâu, cảnh những đàn chim tấn công từ trên phòng áp mái, nghệ thuật của Hitchcock nằm ở chỗ ông có thể làm những chuyện tưởng như ngu ngốc và vô lý trở nên tất yếu và hấp dẫn.

Đạo diễn Alfred Hitchcock


Hãy thử tưởng tượng rằng Alfred Hitchcock vẫn đang làm phim ở Hollywood. Với những gì mà ông đã làm được, rất có thể ông sẽ làm được những bộ phim có thể đánh bại những bộ phim cổ điển như Collateral của Michael Mann, có thể ông sẽ đóng phim Gia đình Simpsons (The Simpsons) và làm chủ nhiệm sản xuất của bộ phim “Alfred Hitchcock xin giới thiệu về CSI Leytonstone” (nơi sinh của ông), và có thể vẫn còn thời gian để làm ra những kiệt tác làm mọi người tưởng mình lầm khi nhớ lại một bộ phim nào đó- có thể ông sẽ làm lại một bộ phim nào đó như Chàng Will Hunting tốt bụng (Good Will Hunting) của Gus Van Sant.

Nhưng điều đáng nói ở đây là bạn không cần phải tưởng tượng mới thấy được hình bóng của Hichcock trong những bộ phim gần đây. Vì những hạt giống kỹ thuật làm phim mà ông đã rắc lại nay đã nảy mầm trong những bộ phim của những đạo diễn hàng đầu Hollywood. Người ta có thể thấy được khả năng điều chỉnh người xem tuyệt vời của Spielberg, sự chính xác và ngắn gọn của Mann, niềm vui sướng mãn nguyện rất vô tư của anh em nhà Coens, những ý nghĩa ngầm bị người ta cho rằng có nội dung sex của Lynch, sự vươn lên không một chút ngại ngùng của Tarantino, và vòng eo của Michael Moore. Tất cả những đặc điểm đó đều là của Hitchcock. Bất kỳ nhà làm phim nào có thâm niên trên 30 năm tuổi nghề đều phải công nhận sự vĩ đại của Hitchcock, dù ít dù nhiều. Những ảnh hưởng của Hitchcock, 25 năm sau khi ông mất đi, vẫn chưa có đạo diễn nào sánh được.

Sự nghiệp của Hitchcock kéo dài 54 năm, với 65 bộ phim được quay tại hai châu lục với rất nhiều sự đổi mới về kỹ thuật (trong đó có kỹ thuật sử dụng những khoảng lặng, sử dụng âm thanh, màu sắc, và thậm chí như trong phim Dial M For Murder, là kỹ thuật sử dụng không gian ba chiều). Và trong sự nghiệp của ông có một số thí nghiệm rất kỳ lạ: ông tự làm lại một phim của mình: phim Người biết mọi chuyện (The Man Who Knew Too Much) mà ông đã làm năm 1934, sau 22 năm, ông đã chuyển 10 cảnh quay dài thành một cảnh quay liền và tạo ra một vở kịch trong phạm vi của một chiếc thuyền cứu hộ.

Đã có một số sự thay đổi trong những tiểu xảo làm phim của ông, từ những đồ trang sức lòe loẹt và lãng mạn của ông bà Smith đến màn kịch trước tòa án trong Vụ án Paradine (The Paradine Case), và trong bộ phim âm nhạc Elstree Calling, chúng ta thấy một cảnh tượng đẹp mắt lạ kỳ: một trận đánh nhau bằng bánh trứng do Alfred Hitchcock đạo diễn. Trong suốt quá trình làm phim của mình, ông cũng đã có một vài thất bại, ví dụ như các phim Stage Fright, Torn Curtain, Topaz. Nhưng ngay những thất bại đó cũng để lại những dấu ấn nhất định: hãy chứng kiến cảnh đánh nhau tay bo trong Torn Curtain, chúng ta sẽ thấy thật khó để giết được một người. Và bất cứ phim nào của Hitchcock cũng tận dụng hết những khả năng của điện ảnh.

Từ những tác phẩm đầu tiên của ông được quay ở Anh – từ Số 13 (Number 13) cho đến Jamaica Inn – đến những phim sành điệu kiểu Mỹ sau này – từ Rebecca đến Family Plot – nhà làm phim vĩ đại và nặng ký nhất, vì sự phong phú của nghệ thuật điện ảnh được sử dụng trong đó. Chưa có nhà làm phim nào có thể có nhiều phim thành công như ông để ghi vào lý lịch nghề nghiệp của mình (hãy thở thật sâu trước khi đọc danh sách này): 39 bậc (39 Steps), Quý bà Vanishes (The Lady Vanishes), Rebecca, Shadow Of A Doubt (người ta cho đây là bộ phim mà Hitchcock yêu thích nhất), Notorious, Kẻ lạ mặt trên một chuyến tàu (Strangers On A Train), Cửa sổ phía sau (Rear Window), Mất cân bằng (Vertigo), Từ miền Bắc tới Tây Bắc (North By Northwest), Psycho, The Birds. Và đây mới chỉ là danh sách những tuyệt tác mà giá trị của chúng không ai có thể phủ nhận được. Ngoài ra, ông còn để lại dấu ấn về con người mình trong lòng khán giả qua những bộ phim mà phim đầu tiên là Người ở trọ (The Lodger), bên cạnh đó ông còn viết sách và tham gia trả lời phỏng vấn trên tivi với những câu hỏi nổi tiếng còn được người ta nhắc đến mãi.

Nổi tiếng là bậc thầy của những khung cảnh không thể không xem và không thể bàn luận, những cảnh như những trận mưa dao, những trận đánh nhau bằng bình phun thuốc sâu, cảnh những đàn chim tấn công từ trên phòng áp mái, nghệ thuật của Hitchcock nằm ở chỗ ông có thể làm những chuyện tưởng như ngu ngốc và vô lý trở nên tất yếu và hấp dẫn. Xem kỹ lại cốt truyện của phim The 39 Steps hay Vertigo hay North By Northwest chúng ta sẽ thấy cả ba bộ phim đều được xây dựng trên những sự ngẫu nhiên và vô lý đến không tin được.

Nhưng kỹ thuật làm phim của Hitchcock tinh xảo quá và không khí của bộ phim thì lại hấp dẫn quá nên người xem không bao giờ nhận ra những sự vô lý ấy. Một điều nữa khiến các bộ phim của ông giàu sức hấp dẫn chính là sự phối hợp giữa sự lạnh lùng tính toán của đạo diễn và những xúc cảm mạnh mẽ (đôi khi lập dị) của các nhân vật trong thế giới tối tăm mà ông đã dựng lên. Sau này, Hitchcock đã thổ lộ rằng hai bộ phim hồi đó ông rất thích thú là Smokey And The Bandit và Benji. Cả hai bộ phim này đều đơn giản và nhẹ nhàng – một điều ít thấy trong các phim của ông. Trong khi phim của ông có tính khôi hài (đặc biệt trong các phim ở Anh và To Catch a Thief), các bộ phim của Hitchcock đều thể hiện chủ nghĩa bi quan rất ít gặp trong điện ảnh của Mỹ.

Chịu ảnh hưởng của nhà sản xuất phim kinh dị người Nga Val Lewton, đạo diễn phim theo chủ nghĩa siêu thực người Tây Ban Nha Luis Bunuel và đạo diễn theo chủ nghĩa ấn tượng người Đức Fritz Lang – Hitchcock đã từng nói phim Der Mude Tod (1922) của Lang là bộ phim yêu thích của ông – Hitchcock đã tạo ra một thế giới từ thế giới tâm linh của một người theo đạo Cơ đốc: một thế giới của những nhân vật có sự phát triển tâm lý bất thường, những người có những thú vui kì dị là tọc mạch vào đời sống riêng tư của người khác, những người vì tình dục mà trở nên tội lỗi, những người vô tội bị kết tội, những cô gái tóc vàng lạnh lùng, những bà mẹ gia trưởng, những kẻ giết người bị thần kinh, tất cả diễn ra trong phim của ông như thể trái với ý tưởng ban đầu của đạo diễn và thường kết thúc bằng một cảnh đuổi bắt ở một nơi nổi tiếng nào đó.

Cùng tham gia trong tất cả các bộ phim của ông là các nghệ sĩ tài ba: nhà soạn nhạc Bernard Herrmann, nhà quay phim Robert Burks, biên tập viên George Tomasini và người thiết kế hình ảnh lão luyện Saul Bass, bởi vậy tất cả các phim của ông đều mang một đặc điểm riêng rất dễ nhận ra. Giả sử có ai đó xóa tên ông trên đĩa phim thì bạn vẫn có thể nhận ra đó là một bộ phim của Hitchcock chỉ trong nháy mắt.

Hitchcock có một câu nói mà người ta thường trích dẫn nhầm. Thực tế, ông đã nói các diễn viên nên được đối xử như gia súc, chứ không phải diễn viên giống như gia súc. Và sự nhầm lẫn đó thể hiện ngay trong thực tế rằng rất nhiều diễn viên xuất sắc nhất của Hollywood đã diễn xuất rất tốt dưới sự điều khiển của ông. Cary Grant, Ingrid Bergman, Anthony Perkins, Sean Connery (trong phim Marnie, những cảnh quay của Hitchcock thể hiện cái đen tối trong phim James Bond) và đặc biệt là James Stewart, tất cả các diễn viên đó đã tìm được một độ sâu và một giọng điệu mà họ chưa bao giờ có được khi đóng cho các đạo diễn khác.

Cùng với khả năng điều khiển đạo diễn thường bị đánh giá thấp đó là khả năng chỉ đạo kỹ thuật của ông: tất cả các máy quay và các cảnh cắt đều được đặt đúng lúc đúng chỗ. Phong cách làm phim của ông cũng thật lịch lãm và xúc tích (khi ông được trao giải Irving Thalberg ở lễ trao giải Oscar năm 1968, ông đã có một bài phát biểu ngắn gọn nhất từ trước tới nay: ông chỉ nói “cảm ơn” ) và chính xác đến mức nếu so với ông thì những người sản xuất đồng hồ Thụy Điển cũng chỉ là những người rất cẩu thả. Nhưng nếu xét về mặt hình thức thì trong các bộ phim của ông cũng có những đoạn theo chủ nghĩa ấn tượng: ví dụ như những giấc mơ của Dali trong phim Spellbound, hay những tia sáng màu đỏ thể hiện những vết sẹo tinh thần của Marnie, những chi tiết như thế làm cho ta ngạc nhiên và choáng ngợp.

Trước khi chết vào năm 1980, ông đã đùa rằng ông muốn khắc trên bia mộ của mình dòng chữ Điều này sẽ xảy ra với các cậu bé hư. Đó là một tấm văn bia thích hợp cho những người đã cả đời hoang phí thời gian trong những cuộc chè chén hoan lạc. Nhưng có lẽ những gì ông đã có được trong suốt cuộc đời mình cũng giống như thế, là một bài ca về những điều tội lỗi, như ông thường nói đùa Tôi sống trong những cốt truyện. Và thật may mắn cho chúng ta là ông đã cho chúng ta cùng sống trong những câu chuyện đó.


Alfred Joseph Hitchcock

Các phim chính: The 39 Steps (1935). The Lady Vanishes (1938), Rebecca (1940), Shadow Of A Doubt (1943), Notorious (1946), Strangers On A Train (1951), Rear Window (1954), Vertigo (1958), North By Northwest (1959), Psycho (1960), The Birds (1963)

Các giải Oscar: Giải thưởng Irving Thalberg (1968)

Câu nói nổi tiếng: Tôi là một đạo diễn của thể loại phim này. Giả sử tôi có làm phim Cinderella, thì người xem vẫn tìm kiếm xem có xác chết nào trong xe ngựa hay không.



Nguồn: Thế Giới Điện Ảnh



Bài viết của Phoebe Su tham dự cuộc thi "Ngược Dòng Điện Ảnh":



“Ông Vua Phim Kinh Dị” Alfred Hitchcock


Nếu đã một lần xem phim của Alfred Hitchcock, bạn sẽ hoàn toàn không lấy gì làm bất ngờ khi người đàn ông tài ba này đứng đầu danh sách 25 đạo diễn có sức ảnh hưởng lớn của mọi thời đại do tạp chí MovieMaker của Mỹ đưa ra vào năm 2002. Vì nếu không phải ông, thì có thể là ai?

Alfred Hitchcock thành công trong lĩnh vực phim kinh dị nhờ sự sáng tạo đến không tưởng. Mỗi bộ phim của ông đều diễn ra theo một cách khác nhau, một mô tuýp khác nhau. Luôn hướng tới nhưng cái mới, đó là đặc trưng của Hitchcock. Nếu như với những bộ phim khác, bạn cố nghĩ xem tiếp theo nhân vật sẽ làm gì, thậm trí phát triển bộ phim theo một hướng mới thì với phim của Alfred Hitchcock, tất cả chỉ được hé mở ở những phút, thậm chí những giây cuối cùng. Bạn hồi hộp chờ đợi kết thúc nhưng lại không muốn tua nhanh đoạn phim. Bạn bị cuốn vào bộ phim một cách thực sự, từng sự kiện, từng sự kiện một. Và thậm chí bàng hoàng, ngỡ ngàng khi phim kết thúc.

Đối với phim kinh dị, cao trào vô cùng quan trọng. Bạn phải biết nên để những tình huống gay cấn lên cao tới đâu và dừng ở đâu để phù hợp với can đảm của người xem. Nếu thiếu độ kinh hoàng, khán giả sẽ cười xoà với "phim hài" của bạn. Ngược lại nếu kinh hoàng đi đến quá độ, phim của bạn càng thất bại hơn. Cái tài của Alfred Hitchcock là ở chỗ đó, ông luôn luôn tìm được điểm cao nhất mà khán giả có thể chấp nhận. Luôn luôn đạt tới đỉnh điểm của sợ hãi nhưng không khiến khán giả quay lưng tắt bộ phim đi. Ông luôn hiểu khán giả chờ đợi gì và có thể chịu đựng tới đâu. Hitchcock luôn khiến tim của người xem như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực nhưng lại không muốn rời bộ phim một phút. Sợ hãi & trốn chạy, dường như bản năng này không đúng khi xem phim của Alfred Hitchcock.

Nếu bạn đã từng xem phim của Hitchcock, bạn sẽ để ý thấy rằng ông luôn biến những nơi đơn giản nhất, thân quen nhất thành những chỗ rùng rợn nhất, sợ hãi nhất. Nếu đã từng xem "Psycho" (Tâm Thần Hoảng Loạn), thì xin giám chắc bạn đã phải lấy hết can đảm để bước vào phòng tắm sau đó. Hay bạn sẽ đột nhiên rùng mình nếu chạm chán một chú chim nhỏ sau khi trải nghiệm "The Birds". Nếu như với những phim kinh dị khác, bạn phải nhớ lại để sợ thì với Hitchcock, bạn luôn đối diện với sự sợ hãi từ những vật bình thường nhất trong gia đình.

Phim của Hitchcock không chỉ thành công nhờ yếu tố kinh dị thường thấy. Phim của ông đan xen giữa các thang bậc cảm xúc khác nhau. Không chỉ được mệnh danh là "Ông vua phim kinh dị", Hitchcock còn nổi tiếng với khiếu hài hước và là một bậc thầy tạo tính căng thẳng, hồi hộp. Ngồi trước bộ phim của Hitchcock cũng có nghĩa là bạn để trái tim trải nghiệm nhiều thang bậc của cảm xúc. Không chỉ khai thác những mảng tối trong cuộc sống và khơi dậy nỗi sợ hãi trong sâu thẳm trái tim người xem, ông luôn tạo dựng bộ phim muôn màu, muôn vẻ, tạo ra những nét chấm phá bất thường đến lôi cuốn. Khó có bộ phim kinh dị nào lại khiến bạn vừa cười, vừa cảm thấy thích thú, lại xen chút lãng mạng nhưng không thiếu tính li kỳ và kinh dị cần thiết như của Hitchcock

Phim kinh dị cần hiệu ứng. Hitchcock biết điều đó và ông vô cùng coi trọng âm thanh trong phim. Mỗi cảnh phim, một giai điệu, một cảm xúc khác nhau. Đó là sự phối hợp tài tình giữa cảm xúc và âm thanh. Bản thân tôi đã được xem "Psycho", tôi không thể quên được giai điệu nhạc trong phòng tắm ấy. Run sợ, hồi hộp, rùng mình đến thấu xương khi trải nghiệm những giai điệu đó. Coi trọng không có nghĩa là lạm dụng. Bên cạnh hiệu ứng âm thanh, Hitchcock không quên dành ra những khoảng lặng trong bộ phim tuỳ theo tâm trạng nhân vật và bối cảnh sao cho phù hợp. Tất cả đều chung một mục đích, phác hoạ câu chuyện một cách hiện thực nhất, sống động nhất.

Phim của Hitchcock mang một dấu ấn đặc biệt mà không bộ phim nào có. Ông xuất hiện trong chính những bộ phim mà mình đạo diễn. Chỉ xuất hiện vài phút trong những vai quần chúng, Hitchcock ít nhiều mang lại cho khán giả cảm giác ngỡ ngàng hay chờ đợi sự xuất hiện của ông. Nhiều người nói rằng đây là một "chữ ký" của Hitchcock đối với bộ phim. Là một khán giả, người xem, tôi cho rằng ông làm được nhiều hơn thế. Nếu ở những bộ phim khác, khán giả làm ngơ với tất cả những chi tiết nhỏ nhặt thì với Hitchcock, bạn không muốn bỏ qua dù chỉ là một chi tiết nhỏ nhất. Tất cả những cái phụ đều được tạo nên một cách tinh tế, giúp người xem tò mò và ngỡ ngàng. Bộ phim không chỉ giúp bạn kinh sợ mà còn khiến bạn trăn trở suy nghĩ.

Nếu quan tâm tới "Ông Vua Phim Kinh Dị" thì bạn sẽ để ý khi Alfred Hitchcock mất, tờ Los Angeles của Mỹ và nhiều tờ báo khác đã để tiêu đề lớn ở đầu trang "Alfred Hitchcock die" "Alfred Hitchcock qua đời". Không gì hơn có thể chứng minh sự mến mộ, yêu quý của khán giả, sự khâm phục, tiếc thương của đồng nghiệp dành cho đạo diễn người anh tài hoa này. Ông mất đi đã để lại khoảng trống quá lớn cho những thế hệ về sau. "Ông vua phim kinh dị", Alfred Hitchcock hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu cao quí đó.


Bài viết của sujini_kute tham dự cuộc thi "Ngược Dòng Điện Ảnh":


Alfred Hitchcock
Nhà ảo thuật với những thước phim kinh dị



Không phải ngẫu nhiên mà Alfred Hitchcock được xếp vị trị đầu tiên trong bảng xếp hạng 25 đạo diễn có ảnh hưởng nhất trong lịch sử điện ảnh. Sự nghiệp đạo diễn của ông thật là đáng nể với 60 bộ phim điện ảnh và một series phim truyền hình. Ông đã được mệnh danh là “Ông vua phim kinh dị”, nhắc tới Alfred Hitchcock không thể không nhắc tới phim kinh dị và nhắc tới phim kinh dị không thể không nhắc tới Alfred Hitchcock. Những kĩ thuật làm phim của ông đến nay vẫn còn được rất nhiều đạo diễn sử dụng. Chắc chắn rằng nhiều người sẽ đặt câu hỏi: Vì sao những bộ phim của ông lại có ảnh hưởng mạnh mẽ đến như vậy. Qua bài viết này, hi vọng có thể giải đáp được phần nào câu hỏi đó.

Trước hết, ông cực kì coi trọng việc chuẩn bị trước bộ phim, thậm chí còn coi trọng điều đó hơn là chính việc sản xuất bộ phim. Ông cùng với biên kịch viết kịch bản kĩ càng đến từng chi tiết nhỏ nhất và khi hoàn thành kịch bản thì việc duy nhất còn lại phải làm là quay phim thôi. Ông nói:
“Thực sự là sau khi hoàn thành xong kịch bản, tôi không muốn quay phim một chút nào. Tôi đã tự hình dung được rõ nét từng cảnh phim, từng chi tiết từ đầu đến cuối phim. Tôi đã viết kịch bản với những chi tiết tốt nhất và khi quay thì không bao giờ nhìn vào kịch bản. Tất cả đã nằm trong trái tim tôi giống như một nhạc trưởng không cần nhìn vào bản nhạc. Khi hoàn thành kịch bản, đó là lúc bộ phim tuyệt vời nhất. Còn khi quay phim thì sẽ mất đi đến 40% ý tưởng ban đầu”

Những câu chuyện trong phim của ông là những câu chuyện đơn giản, từ những sự việc tưởng chừng không có gì nhưng ông vẫn có thể đem lại cảm giác sợ hãi đến lạnh sống lưng cho người xem. Một câu chuyện với quá nhiều nhân vật, quá nhiều chi tiết phức tạp sẽ khiến khán giả mệt mỏi và khó theo dõi mạch phim. Hiểu rõ điều đó nên trong phim của Hitchcock thường chỉ có những nhân vật như thám tử, kẻ giết người hay những người bị cảnh sát truy đuổi... Mặc dù những nhân vật trong phim của ông thuộc motip quen thuộc nhưng tính cách của họ rất đặc biệt. Những tên tội phạm trong phim có thể có cuộc sống giàu sang và sung túc, cảnh sát hay những chính trị gia có thể núp dưới vỏ bọc là những kẻ ngốc nghếch, người vô tội thì bị kết tội, kẻ phạm tội lại có thể trốn thoát với tất cả những gì mà hắn mong đợi. Chính những nhân vật đó đưa người xem từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.

Không chỉ tạo bất ngờ bằng tính cách của nhân vật, Hitchcock còn tạo cho khán giả bất ngờ bởi những tình tiết của phim. Ông dẫn dắt người xem theo một lối suy nghĩ nhưng cuối cùng thì kết quả lại nằm ngoài dự đoán của tất cả mọi người. Một ví dụ như trong đoạn cao trào của bộ phim Saboteur (1942), Norman Lloyd đang bị dồn vào góc trên bức tượng Nữ thần tự do, phía trước là Robert Cummings đang chĩa súng. Tẩt cả mọi người khi xem đến cảnh này đều nghĩ rằng anh ta sẽ bị bắn nhưng thật bất ngờ khi Cumming cất tiếng nói thì Lloyd giật mình và ngã xuống dưới.



Norman Lloyd và Robert Cummings trên Tượng nữ thần tự do (Saboteur)

Trong những bộ phim kinh dị của ông, thông tin là một phần không thể thiếu, ông cho khán giả thấy những điều mà nhân vật không thể nào biết được. Những cảnh đó được đưa vào từ ngay đầu tiên và lặp đi lặp lại. Chính điều đó khiến cho khán giả luôn lo lắng và sợ hãi thay cho nhân vật, không biết đến khi nào thì nhân vật bị làm hại. Trong Family Plot (1976), Hitchcock để khán giả nhìn thấy dầu phanh của ô tô bị rò trước khi nhân vật nhìn thấy, còn trong Psycho (1960), khán giả đã biết về người mẹ bị điên trước thám tử Milton (Martin Balsam), làm cho cảnh thám tử bước vào nhà trở thành một trong những cảnh kinh dị nhất trong sự nghiệp của Hitchcock. Chính Hitchcock đã từng nói “Điều không thể thiếu khi muốn làm cho khán giả thực sự sợ hãi chính là thông tin”



Cảnh thám tử Milton bước vào nhà (Psycho)


Hichcock là một đạo diễn sống trong thời kì chuyển mình của điện ảnh từ phim câm sang phim có tiếng động. Những bộ phim đầu tiên của ông cũng là phim câm, thậm chí bộ phim nói đầu tiên của ông Blackmail cũng là làm lại từ phim câm. Có lẽ chính vì thế nên ông rất coi trọng ngôn ngữ hình ảnh. Đối với ông, âm thanh và lời nói xếp thứ hai sau hình ảnh về tầm quan trọng trong một bộ phim. Ông cho rằng “Phim câm mới là dạng tinh khiết nhất của điện ảnh”. Trong các bộ phim của mình, ông luôn cố gắng hết sức có thể để có thể chỉ kể chuyện bằng hình ảnh, còn âm thanh và lời nói chỉ được sử dụng khi không còn có sự lựa chọn nào khác. Có thể cho rằng ông là bậc thầy trong việc kể chuyện bằng hình ảnh. Khi nghĩ đến những bộ phim của Hitchcock, điều đầu tiên xuất hiện trong đầu chúng ta là những hình ảnh, hình ảnh chiếc còng tay của Robert Donat và Madelaine Carroll trong The 39 Steps (1935) hay hình ảnh trong phòng tắm trong bộ phim Psycho. Với những ai đã xem bộ phim này, chắc không thể nào quên cảnh Marion bị đâm trong nhà tắm. Cô nằm dưới sàn nhà, bất động với đôi mắt vô hồn mở to trừng trừng, máu cùng với nước hòa lẫn nhau, tạo thành một khung cảnh kinh hoàng, ám ảnh hết thảy người xem.



Chiếc còng tay của Robert Donat và Madelaine Carroll (The 39 Steps)





Cảnh Marion bị đâm trong nhà tắm và đôi mắt vô hồn của cô (Psycho)

Mặc dù âm thanh được xếp sau hình ảnh về tầm quan trọng trong phim của Hitchcock nhưng không có nghĩa rằng ông xem thường âm thanh. Âm thanh cũng là một nhân tố tạo nên sự li kì, hồi hộp cho những bộ phim của ông. Blackmail là một ví dụ. Trong phim, Alice đã giết một người đàn ông định cưỡng hiếp mình. Buổi sáng ngày hôm sau, mọi người trong gia đình đều ngồi bàn tán chuyện về kẻ giết người. Khi cha của Alice bảo cô cắt một lát bánh mì thì cô trở nên vô cùng sợ hãi và đánh rơi cả con dao. Sự tài tình trong việc sử dụng âm thanh của Hitchcock là ở chỗ ông đã làm cho đoạn hội thoại giữa những thành viên trong gia đình trở nên hỗn độn và chỉ có duy nhất từ “con dao” được phát âm rõ ràng, và ngày càng rõ hơn, dồn dập hơn khiến cho Alice trở nên hoảng loạn thật sự đến nỗi đánh rơi con dao. Thật sự là việc sử dụng âm thanh đó đã mang lại một hiệu quả tuyệt vời.


Alice và con dao trong bữa sáng (Blackmail)


Một điều đặc biệt ở Hitchcock nữa đó là ông luôn luôn cân bằng giữa sự sợ hãi và sự hài hước trong một bộ phim. “Đối với tôi, một bộ phim kinh dị sẽ chẳng có chút giá trị nào nếu không có những tình huống hài hước”.
Những nhân vật trong phim của Hitchcock không bao giờ coi việc giết người là điều gì nghiêm trọng cả, thậm chí còn lấy chúng ra làm trò đùa. Henry Travers và Hume Cronyn trong Shadow of a Doubt (1943) đã cười ầm lên ở bàn ăn khi phát hiện ra vô số cách để giết người mà không bị phát hiện. Hay như trong In Strangers on a Train (1951) Robert Walker đã dạy một người phụ nữ cách bóp cổ khiến người phụ nữ phá lên cười. Trong Rope (1948) Constance Collier đã cười như điên dại khi biết có những kẻ giết người vì mục đích giải trí.
Hitchcock xây dựng câu chuyện của mình bằng những tình huống châm biếm, ông coi việc viết kịch bản như là “làm xiếc” với số phận của các nhân vật, đặt nhân vật vào những tình huống khó xử và trớ trêu nhất có thể. Như trong Series phim truyền hình của ông, tập phim One More Mile to Go (1957), một cảnh sát đã dừng xe của một người đàn ông lại chỉ với lí do có tín hiệu đèn báo cháy ở đuôi xe mà hoàn toàn không biết rằng có một xác chết ở trong thùng xe. Viên cảnh sát càng cố gắng sửa chiếc đèn báo cháy thì kẻ giết người càng lo lắng bồn chồn. Hitchcock đã đẩy tình huống này lên đến cao trào khi viên cảnh sát vẫn tiếp tục xem xét chiếc đèn và càng ngày càng tiến gần đến chỗ phát hiện ra xác chết.



Bữa sáng trong “Shadow of a Doubt”

Chỉ qua một vài điểm kể trên, có thể thấy rõ ràng rằng Alfred Hitchcock vô cùng xứng đáng với danh hiệu “Vua phim kinh dị”. Những tác phẩm của ông cho đến nay vẫn được dùng làm tài liệu học tập cho các đạo diễn trẻ như một chuẩn mực của điện ảnh. Ông đã được nhận giải thưởng Irving Thalberg (1967) và giải Thành tựu trọn đời (1979) với câu nói "Thank you" - bài diễn văn ngắn nhất trong lịch sử Oscar, tên của ông đã được khắc trên đại lộ danh vọng của Hollywood.





Bài viết của Dunkelheit tham dự cuộc thi "Ngược Dòng Điện Ảnh":


Alfred Hitchcock


Đứng đầu trong danh sách những đạo diễn ảnh hưởng nhất lịch sử điện ảnh đã nói lên sức ảnh hưởng của ông đối với môn nghệ thuật thứ 7, ảnh hưởng đến khán giả, ảnh hưởng đến đời sống điện ảnh, và ảnh hưởng đến các đạo diễn khác.

Đối với khán giả, ông đã mở cho người xem một phương thức mới để cảm thụ điện ảnh, phim của ông mở ra một sức mạnh mới trong điện ảnh, nỗi sợ hãi, sức ảnh hưởng của ông với khán giả thể hiện trong việc lôi cuốn thu hút khán giả vào từng cảnh phim, khiến họ như nhập tâm vào từng cảnh phim, mang đến cho họ sự điên loạn, nỗi sợ hãi với các hình ảnh tưởng như bình thường nhất, các tình cảm, tâm lý sâu kín nhất trong tâm hồn con người với các bộ phim mang đậm tâm lý học Freud, đó là suy nghĩ về trạng thái vô thức trong Vertigo, là những biến đổi về tâm lý như trong Psycho...., những điều đó ám ảnh người xem, ảnh hưởng sâu sắc đến cái nhìn về tâm lý con người.

Ảnh hưởng với điện ảnh của Hitchcock bao gồm tính đột phá trong kĩ thuật dựng phim, ảnh hưởng đến diễn xuất của diễn viên, mang đến phong cách mới trong xây dựng kịch bản, trong việc sử dụng các hình ảnh trong phim. Hitchcock là bậc thầy về kĩ thuật, ông mang đến đột phá trong điện ảnh với các kĩ thuật mới được rất nhiều đạo diễn sử dụng sau này như Dolly Zoom( Hitchcock Zoom). Trong Rope với các đoạn quay dài đến 10', ông đã mang đến cảm giác thật cho người xem, không phải là đang theo dõi với góc nhìn tổng quan mà với góc nhìn của người thứ 3 tham gia vào câu chuyện, một phong cách mới trong quay phim. Hitchcock cũng là đạo diễn tiên phong trong việc sử dụng máy quay được di chuyển, không cố định như trước, ý thức được tác động của ngoại cảnh với tâm lý khán giả, ông rất chú trọng tới việc thiết lập hệ thống máy quay, với mục đích mang đến cho khán giả góc nhìn cảm xúc nhất trong mỗi cảnh phim.

Khi làm đạo diễn, với các đoạn quay dài, phim của Hitchcock đòi hỏi diễn viên phải thể hiện hết khả năng diễn xuất của mình, điều mà họ không thực hiện được khi hợp tác với các đạo diễn khác, khiến phong cách dựng phim của ông gây ảnh hưởng lớn đến phong cách diễn xuất của các diễn viên trong phim của ông sau này.

Với những nút thắt và mở đầy sáng tạo và bất ngờ, Hitchcock được xem như là đạo diễn đầu tiên đã đưa người xem đến với những giây phút hồi hộp đến nghẹt thở, điều chưa từng xảy ra trước đó trong điện ảnh. Ông đã mang đến một phong cách kịch bản mới, với những âm mưu giết người được sắp xếp trước, kéo nhân vật vào những âm mưu theo một cách họ không ngờ đến, thậm chí không biết là mình đã tham dự vào âm mưu đó như thế nào, họ vẫn thực hiện công việc của mình, nhưng chính những công việc đó lại trợ giúp đắc lực cho sự thành công của kẻ sắp xếp.

Là một đạo diễn đã từng làm phim trong thời kỳ phim câm, Hitchcock luôn coi trọng giá trị của hình ảnh, hình ảnh trong phim của ông luôn có tính gợi mở, với rất nhiều các thông tin bởi đối với ông, "Phim ảnh cũng như phụ nữ, càng phải tưởng tượng nhiều thì càng thú vị". Vì thế ông thường sử dụng các hình ảnh trừu tượng, gây cảm xúc mạnh, đôi khi là siêu thực.

Ngoài những điều trên, Hitchcock còn có một vài ảnh hưởng "không chính thức" khác ví dụ như phim Psycho của ông được coi là phim tiên phong mở ra thể loại phim Slasher (thể loại phim trong đó kẻ giết người sử dụng dao một cách tàn nhẫn) hay cách thức thể hiện trong phim Vertigo (ngoại trừ màu sắc) của ông được coi là mẫu mực cho thể loại film noir...

Ảnh hưởng với các đạo diễn thế hệ sau của Hitchcock có lẽ không cần bàn nhiều, với những ảnh hưởng đến điện ảnh như trên, phong cách làm phim của ông đã ảnh hưởng đến rất nhiều đạo diễn khác. Phim của ông được làm lại rất nhiều lần, mặc dù dưới các tên khác nhau. Cách thức thể hiện một số cảnh nổi tiếng ví dụ như cảnh rơi từ trên tượng thần Tự do của Lloyd trong Saboteur, hoặc cảnh quay nổi tiếng tại phòng tắm trong Psycho, hay việc nhìn trộm qua cửa sổ trong Rear Window......đã được sử dụng lại rất nhiều trong các bộ phim sản xuất sau này.

"Alfred Hitchcock qua đời", tựa bài báo đơn giản như câu "Cám ơn" khi không nhận được sự vinh danh vì cống hiến của mình cho điện ảnh, ông đã qua đời nhưng những đóng góp, sáng tạo của ông trong điện ảnh vẫn còn ảnh hưởng sâu sắc đến điện ảnh cho đến tận ngày hôm nay.


Một số ảnh của Alfred Hitchcock:























Phát hiện phim thời kì đầu của Alfred Hitchcock


Ngày: 03/08
Nguồn: LA Times
Dịch: Little Boy Blue @ DienAnh.Net



Đạo diễn Alfred Hitchcock, khoảng thập niên 1920

Một bản phim “The White Shadow,” phim câm được sản xuất năm 1923 được coi là tác phẩm đầu tiên có sự tham gia của ông đã được tìm thấy trong một thư viện ở New Zealand.

Đây là một bất ngờ thú vị mà Bậc thầy Rùng rợn này có lẽ sẽ rất thích thú.

Tổ chức bảo tồn Phim quốc gia và Thư Viện phim New Zealand đã ra thông báo vào ngày thứ tư (03/08) rằng họ đã tìm thấy 30 phút đầu tiên của một phim Anh sản xuất năm 1923, “The White Shadow,” được coi là phim dài đầu tiên có sự tham gia của đạo diễn Alfred Hitchcock.

Đính chính:
Alfred Hitchcock: Trong bài viết ngày 03/08 về việc phát hiện ra một phim Anh sản xuất năm 1923 có sự tham gia của Alfred Hitchcock đã cho rằng chủ tịch Thư viện Phim quốc gia New Zealand là Fred Stark. Tên đúng của ông là Frank Stark. Một câu nói của chuyên gia ni trát Leslie Lewis cũng đã bị nhầm lẫn khi chép lại, xin đọc lại như sau: “Tôi nhận ra rằng đây có lẽ là một phim Hitchcock tham gia thực hiện thì đúng hơn. Ngày hôm sau tôi tới nơi lưu trữ của họ và sử dụng các nghiên cứu của họ để lọc ra một vài bài bình luận và tóm tắt phim ở thời điểm đó, và công nhận rằng đây là phim “White Shadow.”

Hitchcock, khi đó mới 24 tuổi, là biên kịch, trợ lý đạo diễn, dựng phim và thiết kế trường quay của phim, có sự tham gia của các diễn viên Betty Compson trong vai hai chị em sinh đôi – một người tốt, một người xấu – và Clive Brook. “The White Shadow” sẽ có buổi “công chiếu lại” vào ngày 22/09 tại Nhà hát Samuel Goldwyn của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh. Phim câm này cũng sẽ được đưa vào phần tư liệu về Alfred Hitchcock của Viện Hàn lâm, nơi lưu giữ nhiều giấy tờ về vị đạo diễn huyền thoại này.

David Sterritt, chủ tịch Hội Phê bình Phim Quốc gia và tác giả sách “The Films of Alfred Hitchcock” cho biết: “Thứ chúng ta đang có đây là một mắt xích bị thiếu. Khi đó ông ấy là một thanh niên rất sáng tạo, đã từng viết một số kịch bản. Chúng tôi hiểu được tính sáng tạo của ông khi ông còn trẻ, và chúng tôi biết rằng vài năm sau đó ông bắt đầu tự mình đạo diễn phim. Nhưng chúng tôi không hiểu những điều đó đã thống nhất lại trong trí tưởng tượng của ông như thế nào.”

Đạo diễn “White Shadow,” Graham Cutts, được Sterritt miêu tả là “một gã ngốc” đã không tử tế gì lắm với Hitchcock tới mức “sự ghen ghét về mặt chuyên môn đối với người trẻ tài năng này đã làm cho công việc ngày càng gặp nhiều khó khăn hơn.”

“White Shadow” đã được tìm thấy trong một tập hợp các phim âm bản ni trát chưa xác định được tên của Mỹ đang được lưu giữ tại New Zealand từ năm 1989. Khi đó Tony Osborne, cháu trai của nhà chiếu phim, nhà sưu tập người New Zealand Jack Murtagh, đã mang những bản phim ni trát rất không bền này tới thư viện. Vì thư viện chỉ đủ kinh phí để phục chế các phim cũ của New Zealand nên các chuyên gia không thể làm việc trên nhiều tựa phim Mỹ được (mặc dù “White Shadow” là một phim Anh nhưng nó được phát hành tại Mỹ năm 1924 bởi hãng Lewis J. Selznick Enterprises). 15 năm sau, con trai của Selznick, nhà sản xuất David O. Selznick, đã đưa Hitchcock tới Mỹ để làm phim “Rebecca.”

Fred Stark, chủ tịch Thư viện Phim quốc gia New Zealand cho biết: “Chúng tôi dành khá nhiều thời gian để phục chế chúng, đấy như một sự đầu tư vậy. Chúng tôi thường xem xét những cuộn phim này một lần trong vòng 18 đến 24 tháng, việc đó giúp cho chúng tôi ngăn những cuộn phim này không bị tắc lại, và nếu có vấn đề gì thì chúng tôi có thể kịp thời chỉnh sửa.”

Năm ngoái, Tổ chức Bảo tồn Phim Quốc gia, một chi nhánh phi lợi nhuận của Ban Bảo tồn Phim Quốc gia thuộc Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ đã đạt được sự cho phép của Thư viện Phim Quốc gia New Zealand và đã gửi một chuyên gia lưu trữ tới thư viện để xem xét số phim Mỹ được giữ tại đây. Khoảng 75 phim dài, phim ngắn, phim thời sự và các đoạn phim đã được phát hiện năm ngoái, và được phân chia cho Thư viện của Viện Hàn lâm, Thư viện Phim và Truyền hình của Đại học California tại Los Angeles, Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ, Bảo tàng George Eastman và Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại. Phát hiện lớn nhất tại đây là phim “Upstream” sản xuất năm 1927 của đạo diễn John Ford, đã được công chiếu tại Viện Hàn lâm vào năm ngoái.

Năm nay, Tổ chức Andrew W. Mellon, từng tài trợ cho đợt kiểm tra thứ nhất, đã trao thêm kinh phí cho NFPF để xem xét nốt phần còn lại. Annette Melville, chủ tịch NFPF cho biết: “Đợt này khác với đợt trước vốn có nhiều phim hoàn chỉnh hơn. Đợt này chủ yếu là các phần phim và các đoạn phim.”

Chuyên gia ni trát Leslie Lewis là Sherlock Holmes của NFPF. Bà là trưởng nhóm điều tra năm ngoái, và năm nay cũng đã xem qua nhiều bản phim, với sự giúp đỡ của các chuyên gia của Thư viện Phim Quốc gia New Zealand. “Chúng tôi lôi ra một đống các cuộn phim từ phòng lưu trữ ni trát, và tôi bắt đầu xem xét chúng,” Leslie nói. “‘White Shadow’ ban đầu bị dán nhãn nhầm là ‘Twin Sisters.’”

Xem xét những đoạn phim đó trên bàn sáng, bà hiểu rằng đây là một phim chất lượng cao vì những hình ảnh được nhuộm màu rất đẹp. “Tôi về nhà và bắt đầu tìm hiểu, tôi nghiên cứu rất nhiều và thu hẹp dần danh sách các tựa phim nghi vấn,” Lewis nói. “Tôi nhận ra rằng rất có thể đây làmột phim Hitchcock tham gia thực hiện. Ngày hôm sau tôi tới nơi lưu trữ của họ và sử dụng các nghiên cứu của họ để lọc ra một vài bài bình luận và tóm tắt phim ở thời điểm đó, và công nhận rằng đây là phim “White Shadow.”

Ban đầu, bà chỉ có hai cuộn phim. “Nhưng tôi đã xem xét kĩ một cuộn khác cũng chỉ được xác định là ‘Phim Mỹ chưa rõ tên.’ Tôi đặt chúng lên bàn sáng và tôi nhận ra các diễn viên và các bối cảnh. Tôi chụp nhiều ảnh từ mỗi cuộn phim, và so sánh với nhau, và chúng đúng là từ một phim.”

Trong số 60 tựa phim khác sắp ra mắt có một phim ngắn sản xuất năm 1928 sử dụng kĩ thuật hai màu của Technicolor, “The Love Charm”; một phim vào thời đầu sự nghiệp của đạo diễn nữ Alice Guy; một đoạn phim về khiêu vũ sản xuất năm 1920; và một đoạn phim ngắn của “The Clutches of Gang,” phim hài do hãng Keystone Kops sản xuất đã bị thất lạc. Các phim “thất lạc” này sẽ được bảo quản tại năm thư viện trong ba năm tới.

No comments:

Post a Comment