Saturday, October 1, 2011

Rules of the game

THE RULES OF THE GAME (La Règle du Jeu)


Tác giả: Pauline Kael



The Rules of the Game có thể được xem như một điệp khúc tình yêu ngắn được gia tốc cường độ cho đến khi nó trở thành một mối hòa quyện hãn hữu giữa giai điệu trữ tình với một vở hài kịch kinh hoàng - vốn dĩ là hai mặt của cùng một trò chơi ái tình.

Nếu chỉ nhìn từ một góc độ nào đó, đây cùng lắm cũng chỉ là một bữa tiệc gia đình đơn thuần mà thôi. Nhưng nhìn từ một góc độ khác, đó hóa ra lại là một thế giới bi xen lẫn hài đang chuyển động không ngừng. Trớ trêu thay, chàng phi công trẻ tuổi - người hùng của chúng ta - từ vị trí trung tâm đã dần bị đào thải. Anh ta lại là người đứng tách biệt hẳn với trò chơi kéo quân kia: anh bị gạt hẳn ra một bên lề trong lúc cả hệ thống đó đang vận hành. Sau nghi thức chào đón phút đầu, khán giả như chúng ta chỉ có thể đứng một bên chấp nhận cái chết chóng vánh của người hùng. Thử hỏi trong cái thế giới hỗn loạn điên cuồng này, ai còn đủ kiên nhẫn để tâm đến thứ danh dự hão huyền đó chứ?







Cuộc rượt đuổi được kết hợp từ hai buổi đi săn. Buổi đi săn thứ nhất - lý do trên danh nghĩa cho một cuộc hội họp cuối tuần - được lập ra nhằm phục vụ cho cuộc sống thừa tiền lắm bạc của đám quý tộc rửng mỡ. Ai thèm quan tâm đến việc anh đang bắn cái gì chứ? Những người xua dã thú đứng trước các vị khách đang nhắm súng vào động vật, chim chóc, bất cứ thứ gì có thể bắn được. Buổi đi săn thứ hai lại xảy đến hoàn toàn ngẫu nhiên: người canh rừng trong cơn ghen tuông, một người đàn ông cứng rắn với hệ thống luân lý lỗi thời đang chạy điên cuồng vòng quanh đám quan khách trong khi bọn họ đánh đồng cơn giận dữ của ông ta với một màn biểu diễn. Họ thản nhiên chấp nhận cuộc rượt đuổi giũa đám chủ tớ như một trò tiêu khiển (thế hệ sau sẽ gọi đây là một vở kịch không hơn không kém). Bộ máy cơ khí đang tự động vận hành, súng cũng đã được nhắm bắn, mục tiêu đều được chọn lựa ngẫu nhiên: và rồi nguời hùng của chúng ta còn chưa hết bàng hoàng khi bị nhắm bắn như một con thỏ.

Jean Renoir đã từng đối phó với bộ ba anh hùng trong The Grand Illusion - sản xuất năm 1937 lấy bối cảnh thế chiến thứ nhất: nhà quý tộc người Pháp De Boeldieu, von Rauffenstein người Đức, và nhân vật Marechal thuộc tầng lớp bình dân. Nhân vật thứ tư, Rosenthal, một người Do Thái giàu có thuộc tầng lớp thương nhân do Dalio thủ diễn. Với The Rules of the Game, bộ phim tiền chiến cuối cùng của Renoir tại Pháp, được đặt trong bối cảnh trước thềm thế chiến thứ hai, Dalio biến thành một hầu tước. Nhưng anh ta vẫn chưa thực sự thay đổi: anh ta vẫn là Rosenthal, nếu không cũng là lớp hậu bối của Rosenthal. Chỉ khác ở chỗ anh ta đã được dời vào một tòa dinh thự nguy nga và đứng trên lập trường của De Boeldieu. Thể chế quý tộc - quân sự trước đây nay đã tàn lụi, như những gì De Boeldieu và von Rauffenstein từng tiên liệu. Tầng lớp quý tộc mới này dựa hẳn trên tiền tài danh vọng.




Luật chơi trong xã hội này là gì? Không ai thực sự biết cả, chúng biến đổi liên tục không ngơi nghỉ. Tập tục - xét cho cùng cũng chỉ là cách cư xử sao cho thuận tiện mà thôi. Anh phi công lẫn người canh rừng - những người luôn tuân theo luật lệ (thứ luật lệ tồn tại từ một xã hội vững vàng hơn trước đó) lại không thể nhập cuộc cùng mọi người, cả hai làm rối tung mọi thứ vì lẽ họ không cách nào thả lỏng ,thích ứng được với cái xã hội thối nát, mục rữa đó. Sự khác biệt đã biến mất vào thinh không hay đã hòa tan vào với đám quan khách huyên náo? Tình yêu và dục vọng chỉ là một, ngoại tình là lối thoát từ thói ăn không ngồi rồi. Khái niệm danh dự bị xếp xó (thứ danh dự đóng vai trò cực kì quan trọng với một von Rauffenstein hay De Boedldieu); sự ô danh chẳng qua chỉ là một danh từ khác dùng để chỉ những hành động bốc đồng, lộ liễu, đâu có gì to tát đâu! Vẻ ngoài lộng lẫy còn quan trọng hơn cả xúc cảm. Ngài hầu tước và những người khách của ông vẫn còn đó sinh lực lẫn tình cảm, tiếc là chúng đang suy yếu dần; đây là điềm báo cho một loạt những bữa tiệc tại gia linh đình về sau trong La Dolce Vita, L'Avventura, Last Year of Marienbad. Bữa tiệc trong The Rules of the Game gợi ta liên tưởng đến cảnh tượng tương tự trong Smiles of a Summer Night của Ingmar Berman (tất nhiên nó chưa thể sánh được với The Rules of the Game về độ phức tạp). Cái cách những con vật đương hấp hối gợi nhớ đến hình ảnh chết chóc trong nhiều bộ phim lấy cảm hứng từ nó sau này. Đặc biệt là đoạn mở đầu trong Forbidden Games hay như cái chết của Magnani trong Open City. Ánh mắt các con vật lúc sắp chết giống hệt với ánh mắt đong đầy sự sợ hãi của cô gái trẻ trong A Day in the Country (một bộ phim khác của Renoir) khi cô bị dụ dỗ rồi sập bẫy: ánh nhìn chứa đầy sự tuyệt vọng.


Hình ảnh và ý tưởng hòa quyện vào nhau, khiêu khích trí tưởng tượng của chúng ta: lòng thông cảm của vị hầu tước dành cho tên săn trộm - cả hai đều là hai con người thuộc về cùng một thế giới gian trá, rữa nát, ranh giới phân chia giai cấp giữa họ thậm chí còn không tồn tại. Kẻ săn trộm chuyên đi săn thỏ....Cô vợ trẻ của người canh rừng.....Sự chán ghét của ngài hầu tước đối với người canh rừng - người mất đi khả năng giữ cho vợ mình khỏi bị "săn trộm".....Ngài hầu tước - người mà trong từ điển của ông không có chỗ dành cho sự nhẫn tâm có ý thức, đã góp một tay thiết lập nên cuộc tàn sát điên rồ nhằm chiêu đãi các vị khách của ông. Có vẻ Renoir đã rất đúng đắn khi quyết định thủ vai một nhân vật trong phim. Renoir chưa bao giờ thành công hơn thế nữa trong việc tự cứu mình thoát khỏi vũng lầy. Ông đóng vai Octave, "người bạn của cả gia đình", đột nhiên có cơ hội chứng kiến cuộc săn đuổi. Với tư cách là một quan sát viên, nhân vật Octave phần nào gợi nên giả thuyết sự nhại lại chân dung người nghệ sĩ. Không ai trong bộ phim (kể cả tác giả) đứng ngoài cơn mê loạn điên cuồng này cả. Renoir khoác lên mình tạo hình của một con gấu khi đến dự buổi khiêu vũ hóa trang, và ông hầu như bất lực trong việc cởi bỏ nó ra. Phải chăng ông cũng được xếp vào hàng ngũ những con thú bị săn hay như nhân vật người-thú lông lá bờm xờm trong Boudu?



Không khó gì để thảo luận bộ phim trên khía cạnh kĩ thuật, tay nghề thành thạo và khâu biên tập xuất sắc (đặc biệt là phân cảnh cuối), nó hấp dẵn và sẵn sàng làm người xem muốn nghẹt thở. Có điều sẽ là một sự xúc phạm khi quá để tâm vào phần dựng phim, thứ thật sự lý thú nhất chính là thăm dò chiều sâu tư tưởng của nó. Renoir chính là bậc thầy trong chủ nghĩa tự nhiên của Pháp quốc, là khởi nguồn cho một loạt những trào lưu điện ảnh dòng phim tân hiện thực về sau; và với The Rules of The Game, Renoir hiện rõ lên như ông tổ của nhiều khuynh hướng điện ảnh gắn liền với các tên tuổi như Bergman, Antonioni, Resnais.....



Với Roland Toutain trong vai người phi công, Carette với vai kẻ săn trộm, Gaston Modot (người canh rừng), Nora Gregor (Christine), Mila Parely (Genevieve), Paulette Dubost (Lisette). Phim chuyển thể từ Les Caprices de Marianne của Alfred de Musset. Trang phục tài trợ bởi Chanel. Quay phim bởi Calude Renoir; Cartier Bresson là phụ tá đạo diễn. Ra mắt tại Paris vào năm 1939 sau khi bị nhà phân phối cắt bỏ vài phân đoạn, rút ngắn bớt một lần nữa sau tràng phản ứng kịch liệt từ phía khán giả, sau đó thì bị chính quyền Vichy và Quốc xã cấm chiếu bởi tội "đồi phong bại tục". Phần âm bản gốc phim bị phá hủy khi phim trường tại Boulogne bị quân đồng minh thả bom. Được ghép lại từ hơn 200 đoạn phim và mẫu ghi âm, phục sửa lại vào cuối những năm 50. Các nhà phê binh phim quốc tế bầu chọn nó vào vị trí thứ ba trong số những bộ phim vĩ đại nhất mọi thời vào năm 1962. Những chi tiết trên chẳng qua chỉ để phụ họa thêm thôi: danh sách giải thưởng là một sự sỉ nhục dành cho nhà đạo diễn đương đại vĩ đại nhất!

No comments:

Post a Comment