Saturday, October 1, 2011

Jules and Jim

JULES AND JIM



Tác giả: Pauline Kael (trích từ I lost it at the movies)


Khi tổ chức The Legion of Decency đứng ra kết tội Jules and Jim, bản báo cáo tuyên bố: "Câu chuyện đã được phát triển theo một ngữ cảnh hoàn toàn xa lạ với Thiên chúa giáo và đạo đức luân thường truyền thống". Và rõ ràng là như vậy! The Legion tiếp tục: "Trong trường hợp đạo diễn có một quan điểm đạo đức vững chắc nào đó để diễn đạt thì tình trạng vô luân của bộ phim vẫn chiếm ưu thế; hậu quả còn tai hại hơn, nó góp phần gây ra một vấn đề nghiêm trọng trên phương diện giải trí". Người ta có thể đưa ra lập luận biện hộ cho tình trạng vô đạo đức của phim bằng cách chỉ ra các nhân vật mắc tội ngoại tình trong phim đã phải trả giá rất nhiều, kể cả cái chết. Song đó mới chỉ là cái vỏ bọc bên ngoài - hoàn toàn không ăn nhập gì với giá trị đích thực của tác phẩm cả. Bên cạnh đó, cũng không khó để đoán được là The Legion - vốn dĩ là những chuyên gia trong lĩnh vực này, sẽ ngay lập tức phản bác đó chỉ là lí lẽ ngụy biện mà thôi. The Legion cũng không hề sai khi nêu lên tình trạng thoái hóa đạo đức của Jules and Jim. Tuy nhiên, Jules and Jim không chỉ là một trong những bộ phim vĩ đại nhất từng được làm ra, nó là một tác phẩm nghệ thuật đích thực, nó hoàn toàn phù hợp với những tiêu chuẩn đạo đức từ trước đến giờ (và nó đã rất nhanh nhạy trong việc nắm bắt điểm này). Truffaut không hề mang "một quan điểm đạo đức vững chắc nào" cả, ông cũng chẳng hề có ý định biến màn ảnh thành công cụ truyền tải thông điệp, đưa ra li lẽ bào chữa hay bán rẻ bản năng đổi lấy danh dự, không hề. Tất cả những gì Trufaut muốn làm là thông qua đứa con tinh thần của mình, diễn đạt tình yêu thương và nhận thức về cuộc đời trong phạm vi khả năng của ông.

Bộ phim được chuyển thể từ cuốn tự truyện của Henri-Pierre Roche, viết khi ông bước vào tuổi 74, có dùng tới một số tư liệu từ tác phẩm trước đó của ông: Deux Anglaises et Le Continent. Nếu bạn đã từng có dịp nghe qua tên tuổi của Roche, hắn là nó xuất phát từ những thông tin bên lề rằng chính ông là người đã giới thiệu Gertrude Stein với Picasso. Tin đồn vặt vãnh trên có vẻ không quan trọng lắm, vậy nhưng chúng ta tuyệt không nên bỏ qua nó, bởi vì cả Stein và Picasso đều có mối liên hệ mật thiết với các nhân vật và thời đại trong Jules and Jim.



Roche nay đã tạ thế, nhưng nguyên mẫu cho Catherine (vai diễn của Jeanne Moreau) vẫn còn sống* (vào thời điểm phim phát hành). Bà là một dịch giả, người đã dịch Lolita sang tiếng Đức. Truffaut đã từng thổ lộ địa điểm của phim được ông lấy cảm hứng từ những bức thư Apollinaire viết gởi cho Madeleine - người thiếu nữ ông có dịp tiếp xúc trong khoảng nửa giờ đồng hồ trên một chuyến tàu.

Bộ phim bắt đầu tại Paris truớc thế chiến thứ nhất. Jules nguời Áo (Oskar Werner) và Jim nguời Pháp (Henri Serre) là hai người bạn chí cốt. Họ như Mutt và Jeff, Sancho Panzo và Don Quixote. Họ không ngừng tranh cãi về cuộc đời, về thư từ và luôn tìm thấy sự hài lòng đồng điệu từ đối phương. Rồi Catherine buớc vào cuộc đời họ. Cả Jules lẫn Jim đều gắng sức giữ lấy sự yên bình trong tình bạn cả hai vừa đón nhận niềm phấn khích từ sự hiện diện cấp thiết, đầy ma lực của Catherine. Cô kết hôn với Jules, nguời không cách nào kiềm chân cô. Trong nỗi thất vọng tột độ, Jules khuyến khích Jim đến với Catherine : "Chỉ bằng cách đó, cô ấy mới luôn thuộc về chúng ta", anh nói. Tréo ngoe ở chỗ Catherine không thể chế ngự được Jim: anh ta quá độc lập để có thể hoàn toàn bị khuất phục dưới những ham muốn của cô. Khá là tỉnh táo trước sự quyến rũ của Catherine, Jim thất bại trong việc tin tưởng vào tình yêu của cô đúng vào lúc cô sẵn sàng dâng tặng nó cho anh. Cô quyết định kết thúc cuộc đời cả hai: bản thân cô và Jim!

Phần âm nhạc, chuyển động máy quay, nhịp điệu phim đã đưa chúng ta tới tận giây phút cuối cùng của bộ phim, không hề có một giây nào dành cho sự phán xét hay phản ánh cả. Truffaut không chút chần chừ nấn ná, không có thứ gì kéo dài quá lâu, không có chút gì gọi là khoa truơng phóng đại cả, và thậm chí chẳng có điều gì được tuyên bố hay xác định rõ ràng! Có lẽ đó chính là lí do làm một số cá nhân ngoài The Legion phàn nàn: Stanley Kauffman trên The Republic cho rằng Jules and Jim đã "đánh mất mục tiêu của chính mình.....Nó chẳng qua chỉ là một mớ những sự mơ hồ rối rắm bắt nguồn từ niềm hạnh phúc đơn thuần lúc ở trong studio mà thôi.....tất nhiên là có kèm theo một lí do nào đó". Truffaut, đứa con điện ảnh tràn đầy sinh lực, niềm tin yêu cuộc sống nhất trong số những nhà đạo diễn chính yếu của chúng ta luôn cần môt lí do bắt tay vào làm một bộ phim cũng như Picasso cần có lí do cầm một cây cọ hay một mẫu đất sét lên vậy. Và thử hỏi liệu có nhà làm phim nào gắn bó mật thiết với studio lại có thể thích ứng nhanh đến vậy hay không? Thật vậy, Truffaut có thể làm việc ở bất cứ nơi đâu, với bất cứ thứ gì trong tay.



Rốt cuộc thì bộ phim này nói về cái gì? Nó là một buổi kỉ niệm, ăn mừng cho một thời khắc lịch sử vĩ đại, thời đại đầy biến động với một loạt thành tích kì vĩ trong các lãnh vực âm nhạc, hội họa và văn học. Cùng với nhau, Jules và Jim tạo ra một mối quan hệ hòa hợp (Jim còn có một mối tình khá là lặng lẽ với Gilbert). Nhưng chỉ khi ở bên Catherine, cả hai cảm thấy như đuợc tái sinh. Mọi điều đều có thể xảy ra: Catherine là chất xúc tác, là chuyên gia gây rắc rối, là khởi nguồn của mọi niềm vui nỗi buồn. Cô ấy chính là một nữ pháp sư, là người tạo nên cái gọi là nghệ thuật (art) giữa cuộc đời này. Cho đến phút cuối cùng, Jules-nguời từng chấp nhận hy sinh tất cả để giữ chân Catherine lại bên mình - đã có thể thở phào nhẹ nhõm, mặc dù anh đã từng vui suớng biết bao truớc những giờ phút huy hoàng mà Catherine đã đem đến cho cuộc đời anh (bạn đã từng bao giờ trải nghiệm cảm giác này khi vừa tiễn chân một vị khách tài hoa lỗi lạc hay chưa?). Chính vẻ khô khan ảm đạm ẩn sau lớp vỏ văn sĩ thuộc tầng lớp tiểu tư sản của Jules đã ngăn cản tình yêu đến với anh (đó chính là lý do tại sao các cô gái đều không yêu anh). Cuối cùng thì mọi sự phấn khích lẫn nhục nhã đều trôi qua. Từ nay anh sẽ tìm được sự yên bình thư thái, và sau cả một quãng đời sống chung với Catherine, anh ấy đã có đuợc nó!

Catherine dĩ nhiên có chút điên khùng, song điều đó cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Những cá nhân tiên phong bao giờ chẳng cực đoan. Catherine là đại diện cho lớp nguời mới: mẫu phụ nữ hiện đại, tự chủ, lý trí, kiên quyết sống một cuộc sống tự do như phái nam. Cô ấy vừa đòi quyền bình đẳng lại vừa dùng tới mọi mánh khóe (kể cả vẻ hấp dẫn nữ tính) trong việc thu về chút quyền lợi cá nhân, khẳng định ưu thế và kể cả việc gia tăng vị thế, quyền lợi cho bản thân cô. Cô ấy là biểu trưng cho lớp phụ nữ thế kỷ 20 (mẫu nữ nhân luôn được Strindberg nhắc đến với thái độ ngưỡng mộ), là người phụ nữ với đầy đủ quyền lực, trách nhiệm bước chân vào nền văn học Tây phương sau sự chuyển đổi của thế kỷ và luôn bị giới văn sĩ nam nhìn nhận như mẫu người luôn đòi hỏi được đáp ứng mọi nhu cầu và luôn tìm cách chối bỏ trách nhiệm. Trên đây chính là quan điểm truyền thống của phái nam về quyền bình đẳng nam nữ, và quan điểm của bộ phim cũng chẳng khác là bao. Bạn đã bao giờ nghe đến những lời than phiền rằng người Châu Phi rất nhạy cảm về nguồn gốc của họ đến nỗi bạn không thể đối xử suồng sã theo cách giống với người bình thường, bạn không được phép bất đồng ý kiến hay đặt nghi vấn với các quyết định của họ, không được làm phật ý họ, luôn phải để tâm đến sự nhạy cảm của họ, đối đãi với họ như thể họ là người da trắng vậy. Trường hợp của Catherine cũng tương tự vậy thôi.

Catherine luôn tìm mọi cách bù đắp cho lòng tự tôn của mình (theo phương thức rất riêng biệt của cô ấy). Bất kể nhu cầu can thiệp, thống trị, Catherine chính là một món quà mà cuộc sống đem lại. Cô ấy không dành lại chút gì cả, cô ấy chỉ biết sống theo bản năng; và khi mất quyền làm chủ tình cuộc, cô ta phá hủy nó! Catherine có thể rất ương ngạnh (đây chính là điều mà những linh hồn tự do luôn khao khát, họ còn có một tài năng đặc biệt nữa: biến những lầm lỗi thành thứ gì đó rất hiển nhiên - khác hoàn toàn với những cá thể ôn hòa, dễ uốn nẵn). Nhưng cô ấy luôn nói không với thói giả tạo, cô không bao giờ nói dối! Một trong số những cảnh quay kì quặc nhất trong toàn phim, khi Catherine lấy ra một cái lọ nhỏ và gọi nó là "sự đả kích với những đôi mắt gian dối", Jim cũng không có thêm phản ứng nào cho dù đó là aspirin....Cô ấy tin mình có thể phân biệt được giữa sai và đúng, lời nói dối và sự chân thật. Tính độc đoán của Catherine mới thật quyến rũ, đồng thời cũng thật điên khùng. Cô ấy trừng phạt Jim vì tội dùng dằng với Gilbert, trong khi cô vẫn chưa chia tay với Jules. Catherine đang phải gánh chịu thứ mâu thuẫn chí tử của người phụ nữ "tự do, bình đẳng" về vấn đề giới tính: cô có thể rời bỏ đàn ông, song khi bọn họ rời khỏi cô, cô hoàn toàn bị cô lập, bất lực (tựa như loài nho dây leo vậy); nếu không muốn nói là "kiệt quệ", bởi lẽ cô thậm chí còn chẳng thể đòi hỏi thứ gọi là lòng thông cảm.



Tất cả các yếu tố trên đều bị tĩnh lược, bạn phải tìm cách nắm bắt và cất giữ chúng lại ở một góc nào đó trong đáy mắt, tâm trí của bạn. Có quá nhiều sự kiện diễn ra trong vòng một tiếng ba khắc. Thậm chí bạn chưa cần phải xem xét hết mọi khía cạnh, mọi ý nghĩa của nó; chỉ cần nhìn vào một phần rất nhỏ thôi, giá trị mà nó mang lại tin là còn hơn hàng tấn những bộ phim hiện giờ (dù là soi xét từng khung hình dưới kính hiển vi đi nữa). Jules and Jim chứa đựng một loạt các nhân vật phong phú, trí sắc sảo, lòng nhiệt huyết, trái ngược hẳn với một Marienbad trống rỗng. Diễn xuất của Jeanne Moreau mới thật đầy sức sống, đối lập hoàn toàn với cô vợ bị cô lập, luôn chán chường chẳng khác chi một sắc thái đơn màu nhợt nhạt trong La Notte. Với Jules and Jim, tình trạng bị cô lập chỉ là một phần trong nhân cách Catherine, và chúng ta hoàn toàn có thể thấy rõ làm thế nào mà cô tiến đến ngưỡng cửa đó: cô ấy trở nên tách biệt khi không có được điều mình muốn, khi cô bị cản trở. Đó không phải là tình trạng mang tính toàn cầu hóa như với La Notte (may mắn thay, không ai trong số Jules hay Jim mắc phải chứng bệnh này); đó là sự phát điên dần dần, khi Catherine bị tách rời khỏi những khao khát thật sự của cô và dần mất hết hứng thú vào cuộc sống.

Jules và Jim đều là những bức chân dung khắc họa người nghệ sĩ, nhưng đó là mẫu nghệ sĩ phát triển thành thứ gì đó khác nữa - họ trở thành chuyên viên trong một số lãnh vực, hoặc là nhà báo; ham muốn dâng hiến cho nghệ thuật thời thanh xuân dần bị bào mòn. Chiến tranh đã thổi tung hình ảnh cả Jules lẫn Jim. Cuộc sống bohemieng đã kết thúc, Jules và Jim đã đổi thay, nhưng Catherine thì không. Cô ấy cần có thêm nhiều sức mạnh, nghị lực hơn nữa để có thể sống cuộc đời của người nghệ sĩ, và chính lòng quyết tâm trên lại là nhân tố chưa được khai hóa. Chủ nghĩa phóng túng đã kiến tạo nên con người Catherine, ẩn dưới vẻ ngoài duyên dáng yêu kiều đó lại là một con người rất hoang dã: tự do là bất cứ thứ gì mà cô ấy chỉ định. Và khi cô đánh mất những thứ cô cho là tự do - khi mất đi quyền kiểm soát cuộc sống Jim, cô mất phương hướng và lâm vào tình trạng bị cách ly. Cô không còn dệt nên nghệ thuật cho cuộc đời nữa, cô biến cuộc đời thành địa ngục.


Click this bar to view the original image of 800x566px.


Cô chọn cái chết, và cô đã gọi Jules ra quan sát hành động này, minh chứng cuối cùng cho quyền lực lên sự sống và cái chết của cô; bởi vì cả cuộc đời Jules, vì nhượng bộ sự tự do của chính mình cho cô, đã tự biến anh thành một chứng nhân. Anh chỉ có thể đứng từ xa chứng kiến những cử chỉ hào hoa đó chứ không thể tạo ra chúng. Vào khoảnh khắc cuối cùng ở trong xe, lúc sự tự hủy bộc phát tới mức dữ dội nhất, Catherine đã nở nụ cười của một bức tượng: đây chính là điều bí ẩn đã lôi kéo hai người về phía cô. Nụ cười nhìn thoạt qua có vẻ rất thoải mái, không chút điệu bộ màu mè, thực ra nó chứa đầy sự tự chủ kín đáo, không cách gì nhìn thấu rõ đuợc.

Jules and Jim đóng máy sau sự kiện thiêu sách tại Đức, kết thúc cho một kỷ nguyên, và cũng là kết thúc cho cuộc sống bohemieng của những người như Jules với Jim (Truffaut). Theo một phuơng diện nào đó mà nói, bộ phim có thể được xem như là sự tưởng nhớ đến những cuốn sách bị thiêu. Tôi hầu như không thể nghĩ ra một cuốn phim nào khác lại chứa đầy sách với sách như vậy, các tư liệu từ sách vở cho tới tác phẩm văn học, dịch thuật. Sách chảy trong huyết quản các nhân vật: họ lấy ý tưởng sống từ sách mà ra, viết lách cũng chính là công cụ kiếm sống của họ.



Jules and Jim có lẽ là bộ phim hay nhất về thời đại mà tôi đoán là Scott Fitzgerald (mặc dù nó đã bắt đầu từ trước đó nữa). Việc Catherine nhảy xuống dòng sông Seine là nhằm khẳng định chủ quyền của cô lên Jules và Jim trong lúc hai anh này còn đang mải bàn luận về các khiếm khuyết của phái nữ, nó khác hẳn với hành động Zelda nhảy qua cây tre kia.

Cái cách mà bộ phim đối xử với thời đại rõ là một áng thơ trữ tình đầy vấn điệu, một câu chuyện ngụ ngôn mà trong đó thế giới là sân chơi, một tác phẩm nghệ thuật cũng phức tạp, đầy tính thử nghiệm hệt như những gì mà hội họa, âm nhạc, thi ca , văn học thời ấy mang lại. Nó là sự tưởng nhớ đến những ngôi trường tại Paris: nơi mà nghệ thuật và Paris đồng âm. Nói cho văn thơ thì đó là ngôi trường mới của Paris, và đó chính là điện ảnh. Bạn kéo nhau đến rạp chiếu bóng, tán gẫu về phim ảnh và bắt tay làm phim. Các nhà họa sĩ trẻ Pháp thật sự chưa thể sánh được với Mĩ quốc, văn học Pháp thì lại rất bấp bênh, thế nhưng, ô kìa, các nhà đạo diễn Pháp mới thật là tài tình!



Một vài nhà phê bình phim, như Kauffman chẳng hạn, vừa lên tiếng phê phán rằng bài hát Jeanne Moreau hát không hề có mối liên hệ nào với diễn tiến trong phim cả. Tôi rất lấy làm xấu hổ khi phải chỉ ra một lẽ rất hiển nhiên rằng bài hát đó chính là chủ đề, là linh hồn của cả bộ phim: Jules và Jim và Catherine chính là những kẻ đã cùng nhau "make their way in life's whirlpool of days-round and round together bound". Tinh ý một chút thì sẽ thấy bài hát là một sự hiện thân: cả câu chuyện đều được kết tinh lại khi Catherine cất tiếng hát, và rồi tiếng hát đó cùng với hình ảnh Jim cùng với cô bé con lăn tròn trên những sườn đồi, tất cả dường như đã thuộc về hồi ức trước khi câu chuyện kịp kết thúc. Những nhân vật đó, những hình ảnh minh họa, vẻ đẹp kết tinh từ từng khoảnh khắc một, những cú quay chậm rãi đó làm cho ta không cách nào rời mắt khỏi. Suốt dọc chiều dài bộ phim, phần âm nhạc tinh tế của Georges Delerue đã sớm trở thành một phần trong không khí phim: giản đơn mà hiệu quả, đại chúng nhưng không hề nhạt nhẽo, nó dạt dào tình cảm đến mức nếu bạn đặt nó vào một chiếc máy hát đĩa rồi mở lên, ngay lập tức từng khung hình, trải nghiệm, tâm tư sẽ nhanh chóng ùa về như những bản sonata của Vinteuil. Xét từ khía cạnh xúc cảm, Jules and Jim có vẻ giống với phim của Jean Renoir, sự thật thì nó là một tác phẩm tưởng nhớ đến D.W.Griffith. Truffaut đã mày mò tìm hiểu thêm về các ngôn ngữ điện ảnh khác nhau, chơi đùa với chúng, đè các cảnh quay lên với nhau, dùng tới kĩ thuật fast cutting kiểu như Breathless, tính liên tục rời rạc giống như Zero for Conduct, thay đổi kích cỡ, hình dáng khung hình như Griffith đã từng làm. Và như một hành động cao đẹp nhằm bày tỏ lòng kính trọng đến với Griffith, Truffaut đã tái tạo lại một khung hinh từ Intolerance (bộ phim vĩ đại nhất từng được làm ra). Jules and Jim chính là bộ phim hấp dẫn nhất đến từ Châu Âu mà chúng ta từng được xem qua kể từ sự xuất hiện của L'Avventura, Breathless và Shoot the Piano Player - tác phẩm trước đó của Truffaut. Song nó giàu hình ảnh, ấm áp và là tác phẩm thuyết phục nhất, hơn hẳn những thứ trước đó. Theo tôi, Jules and Jim trước sau gì rồi cũng sẽ đuợc xếp ngang hàng bên cạnh những thành tựu điện ảnh to lớn nhất, ngay ở trên kia cùng với các cây đại thụ như Griffith và Renoir.

No comments:

Post a Comment