Sunday, October 2, 2011

Rashomon - Akira Kurosawa

RASHOMON (1950)
(Lã Sanh Môn)
Bộ Phim Làm Rạng Danh Điện Ảnh Nhật Bản



Bằng thủ pháp dựng phim dựa vào tường thuật và hồi tưởng, Rashomon là một chuỗi sự kiện liên hoàn giữa hiện tại và quá khứ. Bộ phim biến một vụ án đơn giản thành tấm gương soi rọi đến tận ngóc ngách bản chất con người, cả cái xấu lẫn cái tốt, cả sự đê tiện lẫn khí tiết anh hùngvà đặc biệt là đề cao "tính tương đối của sự thật".


Bộ phim Rashomon (tựa tiếng Anh là In The Wood - Trong Rừng) của nhà đạo diễn lỗi lạc thế giới Akira Kurosawa lấy bối cảnh nước Nhật thế kỷ 12, khi tình hình chính trị có nhiều biến động. Phim bắt đầu bằng 5 cảnh nối xa gần tiết lộ hai người đàn ông, một tiều phu và một giáo sĩ, ngồi tránh cơn mưa dầm trong mái che nằm dưới chiếc cổng Rashomon Gate hoang phế của ngôi nhà tường ở ngoại ô thủ phủ Kyoto. Mưa được sử dụng như một công cụ để tách cảnh quá khứ và hiện tại. Rồi một dân thường xuất hiện, đưa cả ba người vào một kể chuyện marathon trong lúc chờ mưa dứt như cách giải sầu. Người dân thường mở đầu câu chuyện bằng cách đề cập đến một vụ án đang được bàn tán khắp nơi, nói về một thương buôn samurai (kiếm sĩ) giàu có bị sát hại và người vợ bị cưỡng hiếp mà kẻ tình nghi là một tên trộm cướp nổi tiếng tại địa phương. Sau đó người tiều phu và viên giáo sĩ kể lại những gì họ đã được tận mắt chứng kiến tại phiên toà. Họ nhắc lại lời khai của người vợ và tên trộm trước viên thâm phán. Lời khai của samurai đã chết được kể qua một kẻ trung gian. Người tiều phu cũng thuật lại tình tiết vụ án với tư cách một nhân chứng sống nhưng không đến trình báo toà án. Cả bốn lời khai đều mâu thuẫn nhau, nhưng những người kể đều không có vẻ muốn giành phần lợi về mình, vì trong mỗi câu chuyện kể, chính họ là thủ phạm gây ra cái chết (hoặc cố ý, hoặc vô tình, hoặc tự sát) của nạn nhân. Cả người tiều phu và viên giáo sĩ đều dự phần vào cuộc điều tra nên họ kể lại rất rành mạch vụ án. Samurai và người vợ bị tên trộm Tajomaru tấn công khi họ đang đi trong rừng. Người chồng bị giết, người vợ có quan hệ tình dục với tên trộm. Thẩm phán cho gọi những người trong cuộc và mỗi người đều có một phiên bản tội ác riêng, đặc biệt là tập trung vào cái chết của samurai và về quan hệ tình dục giữa người vợ và tên trộm. Phim chuyển cảnh từ hiện tại (chỗ chiếc cổng) và quá khứ (hiện trường tội ác). Cùng nhau, người tiều phu và vị giáo sĩ giải đáp câu đố điều gì đã xảy ra, đồng thời bóc trần phần nào bản chất của con người.


Vụ án khá đơn giản nhưng chuyện kể lại phức tạp. Người tiều phu và viên giáo sĩ chỉ làm nhiệm vụ thuật lại những gì tên trộm Tajomaru, người vợ Masako và trung gian của samurai Takeshiro đã khai trứơc thẩm phán cho người dân thường nghe. Cả hai người đều nghe rõ ba lời khia khác nhau tại toà, nhưng khắc bộ phim người tiều phu lộ vẻ bất mãn ra mặt với sự khai man, để cuối cùng thừa nhận rằng ông cũng là nhân chứng và thuật lại cho vị giáo sĩ và người dân thường nghe về kịch bản riêng của ông. Vị giáo sĩ bị tác động mạnh mẽ bởi lời kể mới mẻ này, nhưng người dân thường thì không hề xúc động mà còn trở thành tên trộm vào cuối bộ phim.

Ở lời khai thứ nhất của tên trộm Tajomaru, hắn giải thích với quan toà cách hắn đánh lừa samurai và người vợ theo hắn vào nơi sâu nhất của khu rừng. Khống chế samurai xong và trói anh ta, tên trộm định dùng võ lực với người vợ, nhưng vì bị kháng cự quyết liệt, hắn cảm phục sự can trường của cô ta. Đồng thời người đàn bà cũng bị tên trộm khuất phục. Tuy nhiên , sau đó, người vợ khăng khăng rằng cả hai người đàn ông phải chết để cứu vãn danh dự của cô. Tajomaru cắt dây trói samurai và hai người lao vào cụôc chiến long trời lở đất. Vốn cực kỳ thận trọng và đê hèn, tên trộm đã giết samurai một cách vinh quang. Hắn nói : "Chúng tôi ăn miếng trả miếng đến 23 lần, trong khi chưa bao giờ tôi phải dùng đến chiêu thức thứ 21 để hạ đối thủ". Tajomaru cho biết người đàn bà chạy khỏi lúc hai người đàn ông đánh nhau. hắn cũng không thèm tìm cô ta.


Ở lời khai thứ hai của người vợ Masako thì tên trộm cưỡng hiếp cô rồi cười khẩy và bỏ chạy vào rừng. Không hề có cụôc đấu kiếm hay lời đề nghị hai người đàn ông phải chết. Người vợ chỉ chạy đến nơi chồng bị trói, nằm sụp xuống đất rồi ôm lấy samurai để xem có dấu hiệu khinh miệt nào trong mắt anh ta không. Người chồng vẫn im lặng nhìn chằm chằm vào vợ ra vẻ kinh tởm. Cắt dây trói cho samurai, cô đưa đoản dao cho hắn và van xin hãy giết cô. Người đàn ông vẫn bất động, nét kinh tởm còn nguyên trên gương mặt. Masako vô cùng tuyệt vọng, đưa dao lên cao một cách vô thức và bất tỉnh lúc mũi dao lao về phía trứơc, giết chết samurai. Khiếp sợ trước cái chết mình không cố ý gây nên, Masako cố tự sát nhưng không thành công. Cô nói với quan toà "Một con mụ khốn khổ, nhục nhã cùng quẫn như tôi thì còn biết làm gì bây giờ?".


Ở lời khai thứ ba của samurai Takeshiro qua người trung gian nói giọng của anh thì sau khi cưỡng hiếp, tên trộm an ủi Masako, thổ lộ tình yêu và đề nghị cô chạy trốn với hắn. "Chưa bao giờ trong cuộc sống chung, tôi thấy nàng đẹp như vậy khi nàng đáp trả lời tỏ tình của kẻ hãm hiếp mình" - Takeshiro nói trong phiên toà (trong phim, Masako cũng đẹp nhất trong cảnh này). Nhưng Masako chỉ đồng ý đi cùng tên trộm nếu hắn chịu giết chồng cô ta trước đã. Tajomaru nói với samurai, mình cũng là người bị vợ phản bội đến nỗi phải biến thành trộm cườp. Hắn ném cô xuống đất và hỏi người chồng sẽ giết vợ không ? Takeshiro thú nhận là sau khi nghe Tajomaru kể về bi kịch của hắn, anh đã tha thứ cho hắn. Masako bỏ chạy và tên trộm đuổi theo bắt lại, nhưng vài giờ sau đó hắn trở về, cắt dây trói cho samurai và bỏ đi vào rừng. Samurai ngồi khóc và cuối cùng tự tử bằng cách đâm đoản dao vào ngực mình. Anh còn nhớ có ai đó đã rút con dao ra khỏi ngực.

Phiên bản thứ tư của vụ án đến từ chính miệng người tiều phu, khi ông bất mãn với những lời khai dối trá để nâng "cái tôi anh hùng" của mình lên ở trên. Hoá ra người tiều phu đã nấp trong rừng quan sát toàn bộ thảm kịch trên, dù không can dự vào nó ở phần đầu. Ông chỉ đánh cắp đoản dao trên mặt đất mà Masako đánh rơi khi đương đầu với Tajomaru trong ba lời khai đầu, dù ở lời khai thứ ba nó được đánh cắp từ ngực samurai. Vì đây là bằng chứng quan trọng nên người tiều phu sợ bị đổ vấy trách nhiệm đến nỗi ông không dám báo với cảnh sát. Thay vào đó, ông chỉ kể với vị tu sĩ và người dân thường để bày tỏ thái độ tích cực của mình trước những lời khai dối trá. Đạo diễn Akira Kurosawa có ý định xem phiên bản thứ tư này là sự thật của vụ án, trong khi nhiều nhà phê bình xem nó cũng chỉ tương đối thật so với ba lời khai trứơc. Nhưng Rashomon không phải là phim cổ vũ hay vạch trần cho tính tương đối của sự thật, mà là về những cách thức con người nói dối để bảo vệ "hình ảnh" của mình.

Câu chuyện kể của người tiều phu về cái gọi là sự thật của vụ án được tiến hành không có nhạc nền, vốn là phương thức biểu hiện tâm trạng của ba lời kể trước. Thiếu âm nhạc và không phải là lời khai tại toà nên phiên bản thứ tư này có cái đặc sắc riêng của nó. Theo người tiều phu thì sau khi cưỡng hiếp, tên trộm van xin nạn nhân kết hôn với hắn, giúp hắn cải tà quy chánh, bỏ nghề trộm cướp. Đáp lời, người đàn bà xin cắt dây trói cho chồng đề hai người đàn ông chiến đấu vì cô ta. Ngay tức khắc, samurai từ chối đúng với tinh thần võ sĩ đạo, nhưng lại tự khai tử mình bằng cách gọi vợ là con điếm và và kích động cô hãy tự sát vì danh dự. Hai người đàn ông nhìn chằm chằm vào nhau. Do dự một lát, Tajomaru đứng về phía Takeshiro trong cách đánh giá về Masako. Người đàn bà lên án hai người đàn ông hèn nhát, thiếu chí khí nam nhi. Chịu không nổi sự mạt sát này, họ rút gương giao đấu sau một hồi lừng khừng. Takeshiro bị giết trong tiếng kêu gào "Tôi không muốn chết !!!", còn Tajomaru kiệt sức lao lưỡi gươm vào Masako đang chạy trốn vào rừng rồi cầm cả hai lưỡi gươm lảo đảo bước theo.


Trước những tình tiết khai tại toà, thẩm phán đã kết án tự hình tên trộm, nhưng dư âm vụ án còn vang vọng mãi.

Không lâu sau trước khi Rashomon bấm máy, ba trợ lý đạo diễn của Kurosawa đến gặp ông. Họ tỏ vẻ không hài lòng lắm vì không hiểu được nội dung kịch bản "rối như canh hẹ" này. "Nếu bạn biết cách đọc kịch bản, bạn sẽ hiểu vì nó được viết để mọi người cùng hiểu" - Kurosawa nói. Cả ba trả lời : "Chúng tôi tin rằng mình đã đọc hềt sức cẩn thận, nhưng vẫn không hiểu gì cả". Về sau, Kurosawa kể lại tình tiết này trong cuốn tự truyện Something Like An Auto Biography và cho biết là ông có cả một văn bản giải thích với họ ( văn bản này được in trong cuốn sách mỏng đi kèm đĩa DVD Rashomon ). Hai trợ lý thoả mãn với lời giải thích, nhưng người thứ ba thì không.

Rashomon khi công chiếu vào năm 1950 đã đến với thế giới địên ảnh như một tiếng sét. Nhưng có mấy ai biết, phim được một hãng phim nhỏ sản xuất một cách khiên cưỡng. Do giám đốc hãng phim không thích nó nên tên của ông ta không được nhắc đến trong danh sách đội ngũ làm phim. Không ngờ Rashomon đoạt giải Sư Tử Vàng phim hay nhất tại LHP Venice và mở ra cho thế giới và phương Tây biết về điện ảnh Nhật Bản. Phim còn đoạt giải Oscar Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất (1952). Doanh thu tiền vé của nó đạt kỷ lục vào lúc đó cho loại phim phụ đề ở Mỹ.

Khi Rashomon được công chiếu lần đầu, nhiều người thấy lạc lõng với thể loại phim tường thuật, hồi tưởng này. Tuy vậy, sau đó trong cuốn sách tựa đề Hoàng đế và con sói nói về cuộc đời và sự nghiệp điện ảnh của cặp bài trùng Akira Kurosawa và diễn viên Toshiro Mifune (đóng vai tên trộm Tajomaru), cây bút Stuart Galbraith IV cho biết, điện ảnh phương Tây đã vay mượn nhiều tình tiết dựng phim của Rashomon mà cụ thể là các phim Courage Under Fire, The Usual Suspects, The Outrage.

Hôm nay, hơn 55 năm từ ngày ra đời, Rashomon vẫn không mất đi giá trị của nó. Nó vẫn là kiệt tác của điện ảnh thế giới và Kurosawa là một trong mười đạo diễn phim điện ảnh lớn nhất của mọi thời đại.

Rashomon đoạt giải Oscar (1951) cho Chỉ đạo nghệ thuật phim đen trắng và Bài trí phim trường. Hội đồng điểm phim quốc gia Mỹ NBR trao cho phim giải Đạo diễn và giải 1 trong 5 Phim nước ngoài hay nhất năm 1951. Rashomon được các đạo diễn quốc tế chọn đưa vào danh sách 10 Phim hay nhất mọi thời. Năm 1964 phim được đạo diễn Martin Ritt chuyển thành bộ phim Viễn Tây do diễn viên Mỹ Paul Newman đóng vai chính có tựa đề mới The Outrage ( Phẫn Uất ).


Theo Phương Trường
Tạp chí Thế Giới Điện Ảnh

Rashomon - phim gây ấn tượng mạnh


Phim Rashomon của đạo diễn tên tuổi người Nhật Kurosawa Akira sản xuất năm 1950. Khi mới ra đời, nó không được nhiều sự ủng hộ của khán giả Nhật, chỉ sau khi tình cờ được phát hiện và đưa ra thế giới, "Rashomon" mới được ghi nhận là một kiệt tác xuất sắc, chính bộ phim đã làm thay đổi nhãn quan của thế giới đối với đất nước Nhật Bản, nơi mà từ đó cũng sản sinh ra những tài năng lớn, làm nên một bộ phim được đưa vào danh mục những bộ phim hay nhất mọi thời đại.


Phim kể về sự gặp gỡ của ba người đàn ông trú mưa dưới cổng thành Rashomon, họ kể cho nhau nghe chuyện xảy ra trong rừng trúc. Các câu chuyện diễn biến khác nhau do người tiều phu và thầy tu đều được nghe các nhân vật trong câu chuyện kể lại trước quan toà. Câu chuyện xoay quanh việc tên cướp Tajomaru gặp một đôi vợ chồng đi trong rừng, hắn nảy ý định chiếm đoạt người vợ nên đã lừa người chồng đi vào trong rừng trói lại, sau đó đưa người vợ đến và cưỡng hiếp trước mặt người chồng, cuối cùng hắn giết chết người chồng và sau đó bị bắt.

Các câu chuyện sau đó được diễn ra lần lượt theo lời kể của Tajomaru, người vợ, hồn ma người chồng qua người lên đồng và cuối cùng là người tiều phu chứng kiến toàn bộ câu chuyện. Khán giả được dẫn dắt từ tình huống này sang tình huống khác và luôn có cảm giác mơ hồ, không rõ câu chuyện do ai kể mới là sự thật, bởi vì ngay cả khi người tiều phu kể lại lần cuối cùng, nhưng chính ông cũng đã giấu giếm sự thật là ông đã lấy con dao có cán bằng ngọc, lẽ ra là một tang vật trong vụ án; và chính vì giấu chuyện này nên ông đã chỉ khai trước quan toà là ông chỉ là người tìm ra xác chết chứ không phải là người chứng kiến toàn bộ sự việc.

Đạo diễn Kurosawa đã dùng các kỹ thuật máy quay xuất sắc và gây được ấn tượng cho khán giả. Đầu tiên là trong cảnh người tiều phu đi vào rừng chặt củi, phát hiện xác chết và bỏ chạy; sau đó là cảnh Tajomaru đưa người chồng vào sâu trong rừng để mua kiếm. Cả hai cảnh quay này đều dùng máy quay đi theo sát nhân vật, cây lá đập vào máy quay, máy quay rung theo nhịp bước hoặc chạy của nhân vật. Cách quay này tạo cho người xem cảm giác hồi hộp, không biết phía trước nơi nhân vật đi tới sẽ có chuyện gì xảy ra.

Mặt khác, Kurosawa sử dụng nhiều góc máy rộng, quay toàn cảnh và di chuyển nhanh, các cảnh Tajomaru và người chồng giao đấu, thể hiện sự quyết liệt, gay cấn; tiết tấu nhanh, tạo nên cảm giác căng thẳng của một vụ án giết người.

Ở cảnh kể chuyện của các nhân vật trước toà, các nhân chứng nhìn thẳng vào máy quay, không có thoại của phía quan toà, như thể các nhân chứng nói chuyện trực tiếp với khán giả, cách quay này rất đặc biệt, ít thấy ngay cả cho đến sau này. Cách quay này khiến cho khán giả có cảm giác như đang trực tiếp tham gia vào câu chuyện.

Ngoài các kỹ thuật máy quay, trong Rashomon, Kurosawa đã xây dựng một cách kể chuyện khác hẳn với điện ảnh thời bấy giờ. Đó là cách kể hồi tưởng qua lời kể của các nhân vật, thậm chí là hồi tưởng chồng bên trong một hồi tưởng khác. Các nhân vật kể cùng một câu chuyện nhưng lại kể khác nhau, theo quan điểm và mục đích của mình, do đó làm cho khán giả lẫn lộn không biết chuyện nào là thật. Vì vậy khi xem khán giả phải theo dõi rất kỹ từng chi tiết để phán đoán diễn biến câu chuyện cũng như các tình tiết thật giả. Dù vậy, Kurosawa cũng vẫn không cho một kết quả xác đáng để thoả mãn khán giả, sự thực thật sự của câu chuyện vẫn được giấu kín, để tuỳ theo suy đoán của người xem. Đạo diễn chỉ kết thúc phim một cách rất tình người bằng hình ảnh người tiều phu nhận đứa trẻ về nuôi, mặc dù ông đã có tới sáu đứa con, mà thực sự là ông đã phải vất vả nuôi chúng, vì ông rất nghèo, đến nỗi phải lấy con dao trong vụ án để bán lấy tiền. Kết thúc dường như không hề có liên quan đến nội dung về vụ giết người kéo suốt cả câu chuyện. Khán giả dường như quên bẵng câu chuyện vì hành động của người tiều phu, ở đoạn này người thầy tu nói: "Cảm ơn anh, tôi nghĩ tôi vẫn có thể tin tưởng vào con người."

Rashomon đã để lại cho người xem một ấn tượng sâu sắc. Từ các kỹ thuật quay, các cảnh quay đẹp, cách dàn dựng… đến cách kể chuyện, tình tiết câu chuyện, cách kết thúc phim, tất cả đều khiến cho người xem phải chú tâm theo dõi và suy nghĩ. Kết thúc của phim cũng là lúc trời tạnh mưa, đạo diễn có lẽ muốn nói với khán giả một thông điệp: Dù cho tất cả mọi thứ đều là lừa dối như vậy, nhưng vẫn cứ cần tin vào con người, và mọi thứ lại sẽ bắt đầu tốt đẹp và thánh thiện như đứa trẻ sơ sinh.

Credit to Lê Ngọc Tú - Tinvan.org

Rashomon
Một danh phẩm của điện ảnh Nhật


Rashomon (Lã Sanh Môn) là một phim đen trắng quay năm 1951 do nhà đạo diễn tên tuổi Akira Kurosawa thực hiện, các tài tử chính: gồm Toshiro Mifune trong vai tên đạo tặc, Machiko Kyo trong vai người vợ ông Hiệp sĩ đạo, Masayuki Mori vai người chồng. Rashomon và Địa Ngục Môn (phim mầu quay 1953), đạo diễn Teinosuka Kinugasa, là hai cuốn phim đã được dư luận báo chí và khán giả Sài Gòn khen ngợi rất nhiều hồi thập niên 50 và 60.

Rashomon, Bẩy Người Hiệp Sĩ (cũng của Akira, 1954) và Ugetsu là ba cuốn phim cổ điển Nhật đã đươc xếp trong số mười phim hay nhất mọi thời đại (all time best) theo ý kiến các nhà đạo diễn quốc tế 1992 (Sight and Sound international film director poll 1992). Mười năm sau, năm 2002 họ lại thăm dò và hai cuốn Rashomon, Bẩy Người Hiệp Sĩ vẫn được xếp trong số “Top Ten” đó, chỉ riêng Akira Kurosawa đã có tới hai phim được xếp trong số những phim hay nhất mọi thời đại trên thế giới.

Trước thế chiến thứ hai nước Nhật không giao du với ngoại quốc mấy nên người ta không rõ về điện ảnh của họ. Năm 1950, đạo diễn Akira dàn cảnh cuốn Rashomon do hãng Daiei thực hiện, hãng này lúc đó miễn cưỡng nhận làm vì họ cho là truyện phim lẩm cẩm, khó hiểu nhưng thật không ngờ năm sau 1951, đi dự giải ở Đại Hội Điện Ảnh Venice, Rashomon đoạt giải Sư tử bạc, năm sau được giải Oscar của Hàn lâm viện Mỹ (phim nói tiếng ngoại quốc hay nhất trong năm) để rồi được ca ngợi khắp nơi trên thế giới. Người Tây Phương bắt đầu chú ý tới điện ảnh Nhật từ sau Rashomon. Từ 1952 các nhà đạo diễn Nhật lên tinh thần họ làm nhiều phim đi dự giải và đoạt giải thưởng tại hết đại hội này đến đại hội khác. Rashomon đánh dấu bước tiến dài của điện ảnh Nhật, đó là viên đá đầu tiên của địện ảnh Nhật trên trường quốc tế.

Akira sinh 1910 mất 1998 tại Đông Kinh, bắt đầu làm phim từ 1942 nay đã được khoảng 30 cuốn nhưng chỉ vào khoảng hơn 10 cuốn được chiếu tại ngoại quốc, hầu hết có giá trị đoạt giải thưởng cao.

-Rashomon 1951
-Bẩy Người Hiệp Sĩ, 1954 giải Sư tử bạc Đai hội Điện Ảnh Venice .
-Ngai Vàng Đẫm Máu, 1957 dựa theo vở Mac Beth của Shakespear.
-Thành Trì Ẩn Khuất, 1958 giải Gấu Bạc tại Đại Hội Điện Ảnh Bá Linh.
-Yojimbo, 1962, giải nam diễn viên xuất sắc tại Venice.
-Kagemusha, 1980 giải Nhành Dương Liễu Vàng tại Đại Hội Điện Ảnh Cannes .
-Ran, 1985 dựng lại vở King Lear, đạo giải Oscar về trang phục.
-Akira Kurosawa’s Dreams, 1990 gồm những giấc mơ của Akira.

Theo dư luận phê bình và ý kiến các nhà đạo diện Mỹ, Akira Kurosawa được coi như nhà đạo diễn lớn nhất thế giới và là người có ảnh hưởng nhiều nhất trên nền điện ảnh thế giới. Có vào khoảng vài chục phim của các nước Hoa Kỳ, Ý, Pháp, Ấn Độ, Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc… bắt chước hoặc chịu ảnh hưởng của Kurosawa, riêng phim Bẩy Người Hiệp Sĩ (Seven Samourais) đã có vào khoảng mười phim của Mỹ, Ấn, Trung Quốc, Hồng Kông… bắt chước, hoặc quay lại (remake). Trương Nghệ Mưu nhà đạo diễn nổi danh nhất của Trung Quốc hiện nay đã tự nhận chịu ảnh hưởng của Akira Kurosawa và cũng tự nhận đã học hỏi qua các tác phẩm của nhà đạo diễn lớn lao này, có điều đáng nói Kurosawa được các nhà làm phim và khán giả trên thế giới vô cùng ngưỡng mộ nhưng lạ thay, ngay trong nước ông, người Nhật đã không đánh giá cao phim ảnh của ông, họ còn chê bai chỉ trích là khác. Ở đây chúng tôi không đi vào chi tiết vì đã viết riêng một bài về Kurosawa.

Theo chúng tôi được biết trong số ba mươi tác phẩm điện ảnh của Akira, hai cuốn Rashomon và Bẩy Người Hiệp Sĩ đã đưa ông lên tột đỉnh danh vọng. Hầu hết những tác phẩm văn chương giá trị như Chiến Tranh Và Hoà Bình, Anh Em Karamazov, Giờ Thứ Hai Mươi Lăm… chỉ quay thành những phim trên trung bình, Rashomon là trường hợp trái ngược, từ một truyện ngắn trên mười trang giấy hầu như không ai biết tới nhưng khi đưa lên màn bạc lại trở thành một siêu phẩm bất hủ có một không hai của Nghệ thuật Thứ Bẩy, cuốn phim đã được ca ngợi suốt nửa thế kỷ qua. Đây cũng là lần đầu tiên trên thế giới một truyện ngắn được quay thành phim.

Phim dựa theo truyện “Trong Chòm cây” (yabu no naka) của Giới Long Xuyên Chi Giới (Akutakawa Ryonosuke) viết xong tháng 12, năm thứ mười đời vua Đại Chính (1925). Chúng tôi đã được đọc truyện này trong báo Thế Kỷ 21 số 150, tháng 10-2001, bản dịch của Nguyễn Văn Thực. Theo lời người dịch, truyện Trong Chòm Cây đã được Akira Kurosawa quay thành phim đổi tên là Rashomon, còn Rashomon lại là một truyện khác của cùng tác giả Akutakawa.. (trên internet cũng có truyện này qua bản dịch tiếng Anh).

Một ông quan kiểm tra lấy lời khai của các nhân chứng và thủ phạm một vụ án tàn khốc: người chồng bị giết, người vợ bị hãm hiếp, gồm có bốn lời khai phụ.

-Một lão tiều phu khai thấy một xác chết trong rừng.
-Lời khai của nhà sư thấy vợ chồng người võ sĩ đạo trước khi lâm nạn.
-Lời khai của người lính tuần đã bắt được tên đạo tặc.
-Lời khai lão bà, mẹ của người vợ (ông võ sĩ đạo).

Ngoài ra còn 4 lời khai chính liên hệ trực tiếp tới vụ án mạng.

-Lời khai của tên cướp nhìn nhận đã giết người chồng trong trận so gươm và đã hãm hiếp người vợ.
-Lời khai của người vợ tự nhận mình đã giết chồng.
-Lời người chồng qua bà đồng cầu hồn, ông nói mình đã tự sát.

Khi quay thành phim nhà đạo diễn bỏ lời khai phụ của lão bà, thêm vào lời khai chính của bác tiều phu. Phim này chúng tôi đã xem ở Sài Gòn năm 1960, sang Mỹ có xem lại, xin sơ lược truyện phim.

“….Dưới cơn mưa tầm tã, tại một cổng tục gọi là Cổng Quỉ, giống như một ngôi đền chùa bỏ hoang. Một nhà sư, một lão tiều và người nông dân ngồi bàn chuyện về một vụ án mạng ghê rợn, một người võ sĩ đạo bị đâm chết, người vợ bị hãm hiếp, nhà sư mới đi dự phiên xử về kể lại.

-Tên cướp khai: trước sau ta cũng sẽ bị giết, ta không cần phải dấu diếm sự thật, hắn ta nói thấy người chồng dắt con ngựa, chị vợ ngồi trên lưng ngựa đi ngang qua một khu rừng. Thấy người đàn bà xinh đẹp, hắn sinh lòng tà muốn làm bậy. Tên cướp dụ người chồng vào trong khu lùm cây, nói là đi tìm báu vật rồi lừa trói anh ta lại. Kế đó hắn ta dẫn người vợ vào, thấy vậy chị ta rút đoản đao đâm chém tên cướp, hắn tránh đươc hết và rồi ôm được chị ta vào lòng thoả mãn thú tính. Tên cướp khai hắn chỉ muốn làm chuyện tồi bại chứ không có ý gây án mạng. Hắn sửa soạn đi thì người vợ nắm áo kéo lại bảo.

-Một trong hai người phải chết.

Tên cướp và người chồng đấu gươm được chùng hai mươi ba hiệp thì bị hắn đâm chết.Tên đạo tặc khen ông ta giỏi võ vì thường thường người ta đấu với hắn chỉ được mươi thế là bị hắn hạ ngay. Tên cướp lấy thanh kiếm, con ngựa, cung tên của người chồng, người vợ trốn đâu mất.

Người ta kể lại lời khai của người vợ như sau.

Khi tên cướp làm nhục chị ta xong bỏ đi, người chồng bèn nhìn vợ bằng cặp mắt khinh bỉ, chị cầm con dao tiến lại anh từ từ, vừa đi vừa khóc rũ rượi.
-Mình đừng nhìn em bằng cặp mắt như thế!!

Chàng võ sĩ đạo vẫn ngồi ngay như tượng gỗ, không hé răng nói đến nửa nhời. Người đàn bà đau khổ vừa khóc vừa tiến lại chồng rồi vấp ngã khiến con dao đâm phập vào ngực chàng hiệp sĩ.

Người ta nhờ một bà đồng cốt để cầu hồn chàng võ sĩ đạo và lời khai được ứng ra như sau.

-Ở đây sao thanh vắng lạnh lẽo quá thế này, mồ cha đứa nào đưa ta xuống dưới này.

Anh ta cho biết sau khi hãm hiếp vợ anh, tên cướp dụ dỗ chị ta bỏ chồng đi theo hắn, chị siêu lòng, tệ bạc hơn chị chỉ tay về phía chồng bảo tên cướp.
-Giết nó đi!

Chị nói với nó hai ba lần như vậy.

Tên cướp nghe vậy thì lông mày dựng ngược vô cùng căm giận tâm địa gian ác của người đàn bà phản bội, hắn bèn đạp chị ta xuống đất rồi bảo người chồng.
- Anh muốn tôi xử con ác phụ này như thế nào? anh chỉ gật đầu là tôi hạ sát nó ngay.

Chị ta bỗng vùng dậy chạy mất, tên cướp cởi trói cho người võ sĩ đạo rồi bỏ đi, anh tự thấy xấu hổ và lấy dao đâm vào ngực tự vẫn.

Nhà sư vừa kể xong mấy lời khai khiến lão tiều phu không vừa ý, ông bèn kể lại vụ án mà mình đã chứng kiến tận mắt.

Sau khi tên cướp làm chuyện tồi bại, hắn cởi trói cho người võ sĩ đạo, ông ta mắng vợ.
-Chết đi ! mi chết đi cho khuất mắt, sống làm gì?

Người vợ muốn chồng và tên cướp đấu gươm nhưng võ sĩ đạo vẫy tay phản đối với tên đạo tặc.
-Không! Tôi không muốn thí mạng vì con đàn bà vô giá trị đó.

Hai tay kiếm đang nghinh nhau, người vợ chạy lại bên chồng khóc lóc thảm thiết.
-Tại sao mình không giết cái người này đi lại bắt em phải tự ải?

Người chồng tức khí rút gươm ra, trận đấu diễn ra ác liệt rùng rợn, tên cướp đâm hụt, lưỡi gươm cắm xuống đất không rút ra được, người võ sĩ đạo thắng thế đuổi tên cướp chạy lòng vòng, hai người chạy quanh một gốc cây lớn (đã bị cắt ngang sát đất), người chồng chém tên cướp nhưng hắn tránh được, lưỡi gươm mắc vào gốc cây không rút ra được.

Tên cướp vội chạy lại chỗ thanh gươm của hắn, chàng võ sĩ đạo ôm chân hắn, tên cướp lết dần lại chỗ thanh gươm rồi rút nó lên. Người chồng sợ quá thụt lùi dần dần và vướng vào bụi cây, tên cướp dơ gươm lên sắp lao xuống, người chồng xua tay can.
-Tôi chưa muốn chết.

Nhưng tên đạo tặc không tha, hắn nghiến răng phóng thanh kiếm vào ngực người võ sĩ đạo.

Cảnh cuối phim. Tại Cổng Rashomon, ba người kể chuyện xong bỗng nghe có tiếng trẻ khóc oe oe. Một đứa trẻ sơ sinh bị người mẹ đem bỏ, người nông dân lại gỡ tã lót của em bé, bác tiều phu can ngăn bị hắn xỉ vả.
-Anh đâu có tử tế gì, anh cũng lấy cắp cái đoản đao quí chuôi nạm ngọc, tại sao mất con dao đó?

Nói rồi đánh bác tiều một bạt tai.

Cảnh cảm động đầy tình thương kết thúc phim khi bác tiều xin nhà sư đúa trẻ về nuôi mặc dù nhà đã đông con”.

Đây là một trường hợp hy hữu, phim lại có ý nghĩa và giá trị hơn truyện gấp bội phần nhờ tài dàn cảnh, sự trình bầy của nhà đạo diễn cũng như diễn xuất tuyệt vời của các vai chính. Người ta ví mỗi cảnh giống như một bức tranh tuyệt đẹp.

Cảnh thứ nhất: lời khai của tên cướp, trận đấu sôi nổi, linh hoạt theo theo chủ quan của hắn diễn tả ý muốn chứng tỏ mình hào hiệp, võ nghệ cao cường.

Cảnh thứ hai, lời khai của người vợ cảm động và chua chát, người chồng thầm lặng bên tiếng khóc ai oán của đàn bà hòa cùng khúc nhạc đệm tuyệt vời phảng phất điệu đàn Ba Tư và bản Boléro của nhạc sĩ cổ điển Pháp Maurice Ravel.

Cảnh thứ ba nhuốm mầu ma quái ghê rợn qua tiếng gọi hồn của bà đồng cốt khiến người ta nhớ đến các phim ma quỉ của Nhật như Ugetsu ( 1953) và Quái Đàm (1964). Theo lời võ sĩ đạo, người vợ đã phản ông xúi dục tên cướp giết chồng, cảnh này cho ta thấy hình ảnh người đàn bà phản bội trông thật tàn nhẫn ghê sợ.

Cảnh thứ tư qua lời diễn tả của lão tiều thật tàn bạo ghê rợn, nó thể hiện cái thú tính gớm ghiếc của con người y như lang sói. Cảnh chém giết nhau tàn bạo giữa tên cướp và người võ sĩ đạo cũng thể hiện cho thấy bản năng sinh tồn của con người: chém giết nhau để giành sự sống.

Mỗi hoạt cảnh thể hiện một lời khai khác nhau cho thấy sự ích kỷ của người đời, họ dấu diếm một phần hay trọn vẹn sự thật và chỉ nói những cái có lợi cho mình để cuối cùng không ai có thể tìm ra đâu là sự thật. Người chồng (qua lời bà đồng cốt), người vợ không hề nói tới trận đấu kiếm có thể vì mục đích che dấu sự ô nhục của một tay võ sĩ đạo bị giết trong cuộc so tài với tên đạo tặc. Lão tiều phu khai không thấy cây đoản đao chuôi nạm ngọc chắc hẳn vì ông đã lấy làm của riêng.

Người đời ích kỷ không tốt, che dấu sự thật nhưng lại kết thúc trong trong tình thương yêu tràn trề: Lão tiều bế đứa trẻ thơ vô tội về nhà khi cơn mưa đã tạnh.

Cuốn phim đã thể hiện được nhiều khía cạnh của con người với những hình ảnh tàn bạo, phản bội, dối tra…. cùng với thú tính man rợ thể hiện ra trong cuộc tranh giành sự sống.

Năm 1964, đạo diễn Mỹ Martin Ritt đã diễn tả lại phim Rashomon trong khung cảnh cao bồi miền Tây lấy tên Outrage với các tài tử Paul Newman, Claire Bloom không thành công lắm, khán giả Mỹ có người nhận xét giá trị không bằng phim chính Rashomon, mặc dù Claire Bloom là nữ tài tử nổi tiếng của Mỹ nhưng diễn xuất của cô thua kém xa so với Machiko Kyo trong vai người vợ. Thập niên 60, phim đã được diễn kịch tại hí viện Broadway do tài tử nổi tiếng Rod Steigger thủ vai tên đạo tặc.

Đạo diễn Pháp Alain Resnais nhìn nhận Rashomon đã ảnh hưởng tới phim L’Année Dernìere à Marienbad của ông (Năm Ngoái Tại Marienbad), phim quay năm 1961, truyện phim của Robbe Grillet, đoạt giải Sư tử vàng Đại Hội Venice, giải thưởng cao quí nhất của nền điện ảnh quốc tế. Chúng tôi chưa được xem phim này, ở đây dựa theo cuốn A History Of Narrative Film của David A. Cook.

“Ông X gặp bà A tại một toà lâu đài ở Marienbad, Tiệp Khắc, nơi những nhà giầu hay lui tới. Ông X nói năm ngoái gặp bà A tại đây đi với một ông M nào ấy. Bà này nói ngược lại, một cuộc tranh cãi để tìm ra sự thật qua nhiều hình ảnh quá khứ và hiện tại”

Ngoài ra 2 cuốn phim Ấn Độ quay 1954 Tamil film, Andha-Naal, và Viru Maandi năm 2004 cũng chịu ảnh hưởng của Rashomon, ý niệm của phim đã ảnh hưởng một lô film ảnh Mỹ như Courage under fire, The Usual Suspect, One Night At Mc Cool’s , Basic; Hoodwinked, Television series Boom town.. Star Trek: The Next Generation, A Different World, My Name is Earl, Veronica Mars, Good Times, The X Files, Happy Days….

Rashomon đã đánh dấu một bước tiến dài của Nghệ thuật Thứ bẩy, từ nửa thế kỷ qua cuốn phim đã được ca ngợi là một thành công rực rỡ của nền điện ảnh thế giới, nó thể hiện đầy đủ bản chất của con người: ích kỷ, tàn bạo, phản bội, tình thương, một cuốn phim có hậu ở phần kết thúc tràn đầy giá trị nhân bản, nó cũng mang nhiều ý nghĩa chua chát qua tiếng khóc nghẹn ngào của người đàn bà đau khổ.

-Tại sao mình không giết cái người này lại bắt em phải tự sát?

Bởi vì chàng không đủ sức mạnh để bảo vệ cho nàng nhưng lại ích kỷ muốn nàng phải tự sát

Người Pháp có câu “Bên này dẫy núi Pyrénées là sự thật, bên kia là sai lầm." Chỉ cách một dẫy núi mà sự thật đã được nhìn dười hai khía cạnh trái ngược nhau. Cũng một cái chết của người võ sĩ đạo đã có tới bốn cái nhìn khác nhau, cuốn phim đã hiện thực được tâm lý con người, những cái nhìn chủ quan, khác biệt có thể vì lòng ích kỷ hoặc thành kiến khác nhau khiến con người ta không tìm ra được đâu là sự thật, đâu là chân lý? Những cuộc tranh cãi để bảo vệ lý lẽ của mình là đúng khiến cho sự thật đã trở nên đa dạng khác thường.

Ông Cao Văn Viên cựu Đại Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Đội VNCH trả lời ông Lâm Lễ Trinh trong một cuộc phỏng vấn gần đây.

“Xin đừng xem những lời của tôi là lịch sử. Mỗi người giải thích sự thật theo lối riêng như trong phim “Rashomon”. Một trăm nhân chứng, một trăm sự thật. Định kiến làm cho lịch sử sai lệch. Tôi chỉ tâm tình với lòng thành. Hãy để cho hậu thế lượng định và phán xét”

Ông cựu Đại Tướng tỏ ra nghi ngờ sự thật, theo ông có rất nhiều sự thật lịch sử theo giải thích của từng người như trong phim Rashomon, ông nghi ngờ cả chính những lời nói của mình nên đã khuyên người ta đừng coi những lời của ông là lịch sử.

Sự thành công của cuốn phim không hẳn chỉ do ý nghĩa của chủ đề bởi vì những phim bắt chước hoặc chịu ảnh hưởng của Rashomon cũng đã diễn tả chủ đề y như vậy nhưng không được chú ý mấy mà chỉ là những cái bóng mờ trong khi Rashomon rực rỡ như một ngôi sao sáng. Ngay cả phim “Năm Ngoái Tại Marienbad” của nhà đạo diễn Pháp Alain Resnais mặc dù đoạt giải Sư Tử Vàng tại Venice nhưng thực ra ít người biết tới. Cùng diễn tả một chủ đề nhưng Rashomon sở dĩ thành công vẻ vang huy hoàng là nhờ tài dàn cảnh, sự chỉ đạo của nhà đạo diễn cũng như nhờ vào diễn xuất tuyệt vời của các vai chính Toshiro Mifune, Machiko Kyo.

Akira Kurosawa đã diễn tả chủ đề một cách tài tình, linh động, hồi hộp, lôi cuốn mãnh liệt, đôi khi tàn bạo, chua chát… ông đã mô tả một cách chân thực bản chất con người qua những hoạt cảnh sống động, phũ phàng, tàn nhẫn… mỗi lời khai là một bức tranh, một khía cạnh sâu sắc của cuộc đời.

Kurosawa chịu ảnh hưởng của văn hoá Tây phương, hai cuốn phim thành công, nổi tiếng của ông Ran (1985), Ngai Vàng Đẫm Máu (1957) dựa theo vở King Lear và Mac Beth của Shakespear, một số phim khác như The Lower Depth, Ikiru.. chịu ảnh hưởng của Dostoievsky, Tolstoi… Nhưng ông cũng là người gây được nhiều ảnh hưởng cho Nghệ thuật Thứ Bẩy nói chung. Năm 1990 ông được giải thưởng danh dự của Hàn Lâm Viện Điện Ảnh Mỹ vì đã làm phong phú cho điện ảnh thế giới và ảnh hưởng các nhà làm phim khắp mọi nơi. Năm 1979 ông cũng được giải thưởng danh dự của Nga tại Đại Hội Điện Ảnh Quốc Tế Mạc Tư Khoa vì công lao đóng góp cho Nghệ thuật Thứ Bẩy.

Người Nhật lấy làm hãnh diện vì Akira Kurosawa? Nhà đạo diễn kỳ tài này đã làm vẻ vang cho nền điện ảnh Phù Tang?

Một điều rất khó hiểu là Kurosawa được giới làm phim, phê bình trên thế giới vô cùng ngưỡng mộ nhưng trong nước ông người ta lại thờ ơ với nhà đạo diễn tài ba xuất chúng này. Đa số các sách báo Mỹ nói về Akira đều cho rằng tại đất nước ông, những cuốn phim bất hủ kể trên đã không được hoan nghênh mà còn bị chê bai chỉ trích, người ta cho rằng phim của ông lẩm cẩm… Người Nhật chỉ trích ông chỉ làm phim cho khán giả Tây Phương xem, phim của ông chịu ảnh hưởng của Tây phương, ông không làm phim cho người trong nước thưởng ngoạn. Người Nhật cũng chỉ trích Kurosawa khi làm phim Rashomon ông đã đưa lên những cảnh quê mùa lạc hậu của Nhật để cho thế giới thấy những cái xấu xa hủ lậu của đất nước mình.

Nhà đạo diễn Trương Nghệ Mưu nói: “Từ ngày Akira qua đời năm 1998 đến nay, tại nước Nhật ông đã bị chìm vào quên lãng”. Trớ trêu thay, giới làm phim trên thế giới nhất là tại Mỹ vẫn luôn nhắc nhở tới công lao của ông cho Nghệ thuật Thứ bẩy, nay đa số các cửa tiệm Video, DVD và các thư viện tại Mỹ có cho thuê, cho mượn các phim của Akira nhất là Rashomon và Bẩy Người Hiệp Sĩ.

Từ một truyện ngắn đơn sơ hầu như không ai biết tới, Akira Kurosawa đã xây dựng lên một kiệt tác phẩm cân đối và hoàn chỉnh, có giá trị hiện thực xã hội và diễn tả hiện thực bản chất con người. Ở đây ta thấy điện ảnh đã diễn tả nghệ thuật thành công hơn văn chương, vượt hẳn lên trên sự diễn tả của ngòi bút, có thể đây là một trường hợp đặc biệt, sự diễn tả chủ đề bằng hình ảnh lại sâu sắc, ý nghĩa, tuyệt diệu hơn là ngòi bút.

Cuốn phim đã đánh dấu bước tiến dài của điện ảnh Nhật và cũng là của Nghệ Thuật Thứ Bẩy nói chung.


Credit to Trọng Đạt - docsu14.net


RASHOMON - KIỆT TÁC ĐIỆN ẢNH THẾ GIỚI

KIỆT TÁC SUÝT BỊ LÃNG QUÊN


Rashomon là một bộ phim đen trắng Nhật Bản sản xuất năm 1950. Phim do Akira Kurosawa (1910 - 1998) làm đạo diễn cộng tác với nhà quay phim Kazuo Miyagawa với sự tham gia diễn xuất của một dàn diễn viên: Toshiro Mifune, Takashi Shimura, Machiko Kyo, Masayuki Mori and Minoru Chiaki. Bộ phim chuyển thể từ hai truyện ngắn Cổng Rashomon (1) và Trong Rừng Trúc (2) của bậc thầy truyện ngắn Nhật Bản và thế giới Ryunosuke Akutagawa (1892 - 1927) tương tự như trường hợp Làng Vũ Đại ngày ấy ở ta dựa theo ba tác phẩm của Nam Cao. Nếu truyện ngắn Cổng Rashomon cung cấp bối cảnh nền cho phim thì truyện ngắn Trong rừng trúc cung cấp nhân vật và tình tiết câu chuyên. Cho nên, những ai đã đọc truyện ngắn Trong rừng trúc trước khi xem phim sẽ hiểu bộ phim hơn là những người chưa đọc truyện.

Sau thế chiến thứ hai, nước Nhật không giao du với ngoại quốc mấy nên người ta không rõ về điện ảnh của họ. Năm 1950, đạo diễn Akira dàn cảnh phim Rashomon do hãng Daiei thực hiện, hãng này lúc đó miễn cưỡng nhận làm vì họ cho là truyện phim khó hiểu nửa phim nửa kịch. Khi trình chiếu, Rashomon đã gây ra sự thất vọng cho khán giả Nhật. Bộ phim đã bị thất bại nặng nề về mặt doanh thu thậm chí còn bị tống vào kho, liệt vào danh sách những bộ phim dở nhất trong năm, vì cách kể chuyện có phần khó hiểu và kì lạ.

Số phận của bộ phim chỉ thực sự thay đổi nhờ vào một phái đoàn nghệ thuật đến từ nước Ý. Phái đoàn này đã đề nghị các nhà làm phim Nhật Bản cho xem những bộ phim hay nhất và dở nhất trong năm, Rashomon đã được chiếu trong danh mục những phim dở nhất. Con mắt xanh của các nhà làm phim Ý đã khiến họ thấy ở đây là một bộ phim kì lạ. Bộ phim đựợc đưa về tham dự Liên hoan phim Venice đoạt giải Sư tử vàng (1951) cùng năm đó phim đoạt thêm giải Oscar của Hàn lâm viện Mỹ (phim nói tiếng ngoại quốc hay nhất trong năm) (3) để rồi được ca ngợi khắp nơi trên thế giới. Người Tây Phương bắt đầu chú ý tới điện ảnh Nhật từ sau phim Rashomon.

CHUYỂN THỂ TỪ HAI TRUYỆN NGẮN KINH ĐIỂN:

Như đã nói ở trên, truyện ngắn Trong rừng trúc cung cấp nhân vật và tình tiết câu chuyện có thể thấy sự thay đổi một chút của hai nhà biên kịch Akira Kurosawa và Shinobu Hashimoto. Nguyên bản truyện ngắn Tong rừng trúc viết lại chuyện một ông quan cảnh sát lấy lời khai của các nhân chứng và thủ phạm một vụ án tàn khốc: người chồng bị giết, người vợ bị hãm hiếp vào buổi trưa trong một khu rừng toàn cây tuyết tùng và trúc.

Truyện ngắn gồm có bốn lời khai phụ:

- Một lão tiều phu khai thấy một xác chết ông võ sĩ đạo trong rừng.

- Lời khai của nhà sư thấy vợ chồng người võ sĩ đạo trước khi lâm nạn.

- Lời khai của người lính tuần đã bắt được tên đạo tặc.

- Lời khai mẹ vợ ông võ sĩ đạo bị sát hại.

Ngoài ra còn ba lời khai chính liên hệ trực tiếp tới vụ án mạng.

-Lời khai của tên cướp nhìn nhận đã giết người chồng trong trận so gươm và đã hãm hiếp người vợ.

-Lời khai của người vợ tự nhận mình đã giết chồng.

-Lời người chồng qua bà đồng cầu hồn, ông nói mình đã tự sát.

Khi dựng thành phim nhà đạo diễn bỏ lời khai phụ của bà bà mẹ vợ ông võ sĩ đạo đã chết, thêm vào lời khai lại của bác tiều phu còn tình tiết như trong truyện ngắn Trong rừng trúc.

Trong nguyên bản truyện ngắn Cổng Rashomon, nhân vật ăn mày bắt gặp bà lão đi cắt tóc của người chết đem bán, hành vi mà anh cho rằng phi đạo đức, không thể chấp nhận được, cuộc đối thoại về thiện- ác sau đó khiến người tiều phu hoài nghi, phủ nhận chính mình, kết cục anh lại giằng cướp áo của bà lão này để mưu sinh. Như vậy so với phim, truyện có ba chi tiết thay đổi: thay vì bà lão, chi tiết cuối phim lấy hình ảnh đứa trẻ bị bỏ rơi. Đứa trẻ này thành cái cớ lý giải cho quan niệm thiện ác của người ăn mày cướp áo: “Thế còn cha mẹ nó thì sao, những kẻ chỉ biết tận hưởng niềm hoan lạc khi tạo ra nó, giờ thì không có trách nhiệm gì cả”. Thay bằng đoạn tranh luận, phim thế vào câu chuyện ở rừng trúc để làm nền, làm động cơ cho sự diễn biến tâm lý của các nhân vật dưới cổng Rashomon.

NỘI DUNG PHIM:

Tình tiết vụ án không được mở ra ngay từ đầu mà được hồi tưởng qua lời thuật lại của nhà sư (Chiaki Minoru thủ vai), một lão tiều phu (Shimura Takashi thủ vai) cho một người bình dân (Ueda Kichijiro thủ vai) khi cả ba trú con mưa dông tầm tã tại cổng Rashomon hoang phế. Câu chuyện diễn biến khác nhau do người tiều phu và thầy tu đều được nghe các nhân vật trong câu chuyện kể lại trước quan toà.

Một người tiều phu khai: anh ta đã tìm thấy thi thể nạn nhân (tức là võ sĩ) ba ngày trước trong rừng. Do quá hoảng sợ nên anh ta đi tìm cảnh sát.

Người tu sĩ khai: vào lúc ấy vào khoảng giữa trưa cách đây ba hôm ông đã thấy hai vợ chồng. Anh ta đi bộ, cùng đi là một phụ nữ ngồi trên lưng ngựa. Cô ấy mang một tấm mạng che mặt.

Người lính tuần khai (Kato Daisuke đóng ): Đã bắt được tên cướp nổi tiếng Tajomaru ở bờ sông khi hắn bị ngã ngựa và đang rên rỉ.

Tên cướp khai Tajomaru (Mifune Toshiro đóng): trước sau ta cũng sẽ bị giết, ta không cần phải dấu diếm sự thật, hắn ta nói thấy người chồng dắt con ngựa, chị vợ ngồi trên lưng ngựa đi ngang qua một khu rừng. Thấy người đàn bà xinh đẹp, hắn sinh lòng tà muốn làm bậy. Tên cướp dụ người chồng vào trong khu lùm cây, nói là đi tìm báu vật rồi lừa trói anh ta lại. Kế đó hắn ta dẫn người vợ vào, thấy vậy chị ta rút đoản đao đâm chém tên cướp, hắn tránh đươc hết và rồi ôm được chị ta vào lòng thoả mãn thú tính. Tên cướp khai hắn chỉ muốn làm chuyện tồi bại chứ không có ý gây án mạng. Hắn sửa soạn đi thì người vợ nắm áo kéo lại bảo.

-Một trong hai người phải chết.

Tên cướp và người chồng đấu gươm được chùng hai mươi ba hiệp thì bị hắn đâm chết.Tên đạo tặc khen ông ta giỏi võ vì thường thường người ta đấu với hắn chỉ được mươi thế là bị hắn hạ ngay. Tên cướp lấy thanh kiếm, con ngựa, cung tên của người chồng, người vợ trốn đâu mất.

Người ta kể lại lời khai của người vợ (Kyo Machiko đóng ) như sau.

Khi tên cướp làm nhục chị ta xong bỏ đi, người chồng bèn nhìn vợ bằng cặp mắt khinh bỉ, chị cầm con dao tiến lại anh từ từ, vừa đi vừa khóc rũ rượi.
-Mình đừng nhìn em bằng cặp mắt như thế!!

Chàng võ sĩ đạo vẫn ngồi ngay như tượng gỗ, không hé răng nói đến nửa nhời. Người đàn bà đau khổ vừa khóc vừa tiến lại chồng rồi vấp ngã khiến con dao đâm phập vào ngực chàng võ sĩ.

Người ta nhờ một bà đồng cốt (Honma Fumiko đóng) để cầu hồn chàng võ sĩ đạo (Mori Masayuki đóng ) và lời khai được ứng ra như sau.

- Ở đây sao thanh vắng lạnh lẽo quá thế này, mồ cha đứa nào đưa ta xuống dưới này.

Anh ta cho biết sau khi hãm hiếp vợ anh, tên cướp dụ dỗ chị ta bỏ chồng đi theo hắn, chị siêu lòng, tệ bạc hơn chị chỉ tay về phía chồng bảo tên cướp.
-Giết nó đi!

Chị nói với nó hai ba lần như vậy.

Tên cướp nghe vậy thì lông mày dựng ngược vô cùng căm giận tâm địa gian ác của người đàn bà phản bội, hắn bèn đạp chị ta xuống đất rồi bảo người chồng.

- Anh muốn tôi xử con ác phụ này như thế nào? anh chỉ gật đầu là tôi hạ sát nó ngay.

Chị ta bỗng vùng dậy chạy mất, tên cướp cởi trói cho người võ sĩ đạo rồi bỏ đi, anh tự thấy xấu hổ và lấy dao đâm vào ngực tự vẫn.

Nhà sư vừa kể xong mấy lời khai khiến lão tiều phu không vừa ý, ông bèn kể lại vụ án mà mình đã chứng kiến tận mắt.

Sau khi tên cướp làm chuyện tồi bại, hắn cởi trói cho người võ sĩ đạo, ông ta mắng vợ.

- Chết đi ! mi chết đi cho khuất mắt, sống làm gì?

Người vợ muốn chồng và tên cướp đấu gươm nhưng võ sĩ đạo vẫy tay phản đối với tên đạo tặc.

-Không! Tôi không muốn thí mạng vì con đàn bà vô giá trị đó.

Hai tay kiếm đang nghinh nhau, người vợ chạy lại bên chồng khóc lóc thảm thiết.

-Tại sao mình không giết cái người này đi lại bắt em phải tự ải?

Người chồng tức khí rút gươm ra, trận đấu diễn ra ác liệt rùng rợn, tên cướp đâm hụt, lưỡi gươm cắm xuống đất không rút ra được, người võ sĩ đạo thắng thế đuổi tên cướp chạy lòng vòng, hai người chạy quanh một gốc cây lớn (đã bị cắt ngang sát đất), người chồng chém tên cướp nhưng hắn tránh được, lưỡi gươm mắc vào gốc cây không rút ra được.

Tên cướp vội chạy lại chỗ thanh gươm của hắn, chàng võ sĩ đạo ôm chân hắn, tên cướp lết dần lại chỗ thanh gươm rồi rút nó lên. Người chồng sợ quá thụt lùi dần dần và vướng vào bụi cây, tên cướp dơ gươm lên sắp lao xuống, người chồng xua tay can.

-Tôi chưa muốn chết.

Nhưng tên đạo tặc không tha, hắn nghiến răng phóng thanh kiếm vào ngực người võ sĩ đạo.

Cảnh cuối phim, tại Cổng Rashomon, ba người kể chuyện xong bỗng nghe có tiếng trẻ khóc oe oe. Một đứa trẻ sơ sinh bị người mẹ đem bỏ, người nông dân lại gỡ tã lót của em bé, bác tiều phu can ngăn bị hắn xỉ vả.
-Anh đâu có tử tế gì, anh cũng lấy cắp cái đoản đao quí chuôi nạm ngọc, tại sao mất con dao đó?

Nói rồi đánh bác tiều một bạt tai.

Cảnh cảm động đầy tình thương kết thúc phim khi bác tiều xin nhà sư đứa trẻ về nuôi mặc dù nhà đã có 6 đứa con.

KỸ THUẬT QUAY PHIM

Đạo diễn Kurosawa đã dùng các kỹ thuật máy quay gây được ấn tượng cho khán giả. Đầu tiên là trong cảnh người tiều phu đi vào rừng chặt củi, phát hiện xác chết và bỏ chạy; sau đó là cảnh Tajomaru đưa người chồng vào sâu trong rừng để mua kiếm. Cả hai cảnh quay này đều dùng máy quay đi theo sát nhân vật, cây lá đập vào máy quay, máy quay rung theo nhịp bước hoặc chạy của nhân vật. Cách quay này tạo cho người xem cảm giác hồi hộp, không biết phía trước nơi nhân vật đi tới sẽ có chuyện gì xảy ra.

Cách đặt máy quay trong phim của Kurosawa luôn luôn tạo được chiều sâu nhiều lớp trên màn ảnh. Chiếm cả khung ảnh là bầu trời vần vũ như tràn lên khán giả, và một vệt đen mỏng bên dưới là mặt đất có tên cướp Tajomaru hùng hổ phi ngựa từ xa. Hoặc cảnh trời mưa như trút ở Cổng La Sinh, cận ảnh là viên ngói vỡ dưới đất tung toé nước, ở góc xa là ba người ngồi bên cạnh đống lửa cùng bàn tán về một câu chuyện mà họ không hiểu. Đối nghịch với cảnh đó là sân nắng, nhưng lạnh lẽo của công đình, chỉ có cát bên dưới và vách tường trắng làm nền phía sau, nơi những người trong cuộc trực diện với khán giả để kể lại sự việc đã xảy ra. Hoặc lúc anh tiều phu vác rìu đi trong rừng, lúc tiến lại gần, lúc thấp thoáng xa xa, lúc giữa trời nắng rõ, lúc bóng cành lá lấp lánh trên mặt và trên cây rìu

Mặt khác, Kurosawa sử dụng nhiều góc máy rộng, quay toàn cảnh và di chuyển nhanh, các cảnh Tajomaru và người chồng giao đấu, thể hiện sự quyết liệt, gay cấn; tiết tấu nhanh, tạo nên cảm giác căng thẳng của một vụ án giết người.

Ở cảnh kể chuyện của các nhân vật trước toà, các nhân chứng nhìn thẳng vào máy quay, không có thoại của phía quan toà, như thể các nhân chứng nói chuyện trực tiếp với khán giả, cách quay này rất đặc biệt, ít thấy ngay cả cho đến sau này. Cách quay này khiến cho khán giả có cảm giác như đang trực tiếp tham gia vào câu chuyện.

THÔNG ĐIỆP VÀ Ý NGHĨA

Các lời khai phủ định lẫn nhau khiến cho khan giả như rơi vào mê cung, không thể biết lời khai nào là sự thật. Điều này cho thấy tính không đáng tin cậy của lời người kể chuyện trong quan niệm của tự sự hiện đại. Nó hoàn toàn khác với tự sự truyền thống. Tự sự truỳền thống đi tìm cách kể bằng hình ảnh cho hay nhất một câu chuyện nào đó, người kể phải là người ban phát chân lí cuối cùng. Nếu theo cách dựng của tự sự truyền thống, đây sẽ là một bộ phim trinh thám. Nó sẽ chỉ dừng lại khi tìm ra sự thực về thủ phạm giết người. Chính vì các khan giả Nhật Bản lúc đầu đã xem Rashomon theo cách như vậy nên họ thấy đây là một thất bại của Kurosawa. “Bộ phim quá khó hiểu.”

Trên thực tế, Akugatawa và Kurosawa đã đưa ra một quan niệm mới về người kể chuyện: người kể chuyện không phải là người biết hết tất cả, anh ta chỉ biết một phần của sự thực và cố tình kể sự thực theo cách có lợi nhất cho mình. Hay như lời nhà sư nói trong ngôi đền đổ nát, con người sẽ mãi mãi không thể có được sự thực vì sự yếu đuối và ích kỉ của chính mình, Một nét mới trong nghệ thuật tự sự cuả bộ phim này là cách kể chuyện bằng phục hiện. Nó kể lại vụ án mạng qua hồi tưởng của 4 nhân vật. Đây là điểm Kurosawa kế thừa từ tác giả truyện ngắn Akutagawa. Nhưng bộ phim còn đẩy xa hơn kĩ thuật kể chuyện bằng hồi tưởng vì câu chuyện vụ án của ông thực chất là hồi tưởng của hồi tưởng, phục hiện nằm trong phục hiện.Thật vậy, lời khai cuả các nạn nhân ở đây không phải được ghi lại một cách trực tiếp như trong truyện ngắn của Akugatawa mà được kể lại trong lời của tiều phu và nhà sư nói với một kẻ tiện dân khi họ cùng trú mưa trong một cổng thành hoang phế. Tính hồi tưởng lồng trong hồi tưởng này chi phối sự xuất hiện 3 mảng không gian khác nhau trong câu chuyện. Không phải là hai mảng không gian: công đường và khu rừng- hiện trường vụ án mà là cổng thành Rashomon- công đường- khu rừng.

Cấu trúc tự sự độc đáo của bộ phim cùng với tính không thể khám phá của sự thực mà bộ phim đề cập khiến cho trong văn hóa phương Tây, Rashomon gần như đã trở thành một điển tích. Trong tiếng Anh cũng như một số ngôn ngữ khác, Rashomon đã trở thành từ chỉ tình trạng sự thật không thể được tìm ra vì các nhân chứng khác nhau cung cấp những bằng chứng trái ngược nhau. Thuật ngữ hiệu ứng Rashomon trong tâm lí học cũng bắt nguồn từ chính bộ phim này.

Phim Rashomon được chiếu ở Việt Nam quãng những năm 1954 ở miền Bắc và muộn hơn một chút ở miềm Nam. Khán giả Việt Nam cũng như khán giả toàn cầu đã gần 60 năm nay mê mẩn từng phút bộ phim và biết bao lời ngợi khen đi kèm. Đã là một kiệt tác thì thế hệ này đến thế hệ khác đều có một cách nhìn, cách lý giải riêng bởi một kiệt tác làm sao khai thác hết tầng vỉa ý nghĩa trong đó!

CHÚ THÍCH:

1. Cổng Rashomon vốn là một cửa ô của thành Heiankyo xưa kia, nay thuộc địa phận thành phố Nara. Thành Heiankyo được xây mô phỏng theo thành Trường An của Trung Hoa. Cổng Rashomon bề ngang khoảng 35 mét, cao 21 mét và dầy khoảng 9 mét. Cổng uy nghi đồ sộ, đã từng được dùng làm cửa đón các đoàn sứ giả Trung Hoa.

Rashomon vốn viết chữ Hán là La Thành Môn. Nhưng qua phát âm thành La SInh Môn nên sau đó quen viết Rashomon là La Sinh Môn.

Cổng Rashomon xây vào năm 798, đã bị đổ vì bão vào năm 816, được trùng tu rồi lại bị gió thổi sập vào năm 980 và từ đó bị bỏ bê. Năm 1023 đá xây cổng Rashomon còn bị lấy cả đi để xây chùa Houjoji ( Pháp Thành Tự ) nên ngày nay chỉ còn lại một vài tảng đá và chiếc cột dựng tại cùng địa điểm cho biết dấu tích xa xưa.

Cổng Rashomon dựng tại phim trường của công ty điện ảnh Daiei ở Kyoto, cao khoảng 20 mét, bề ngang khoảng 33 mét, và bề dầy ( sâu) khoảng 22 mét, có 18 chiếc cột chu vi khoảng 1,2 mét, và mái cổng đang sập được lợp bằng 4000 miếng ngói có in niên hiệu Diên Lịch thứ 17 ( năm 789).

2. Truyện ngắn Trong rừng trúc tiếng Nhật là Yabu no naka nghĩa là Trong bụi rậm (tiếng Anh là In the grove). Được dịch ra tiếng Việt là Bốn bề bờ bụi hoặc Trong rừng trúc. Nhưng người Việt quen gọi là Trong rừng trúc hơn cả nên xin giữ nguyên.

3. Trước năm 1956, chỉ có trao giải thưởng danh dự cho phim tiếng nước ngoài hay nhất chứ không trao tượng Oscar.

XEM RASHOMON TRÊN INTERNET

http://video.google.com/videoplay?do...=public+domain (BẢN TIẾNG ANH)

http://video.google.com/videoplay?do...ublic%20domain... (BẢN TIẾNG TRUNG)

Linh Đàm, 12/ 06/ 2008

HÀM ĐAN

(Tạp chí Văn Hiến Việt Nam)

Rashomon
門 生 羅 La Sinh Môn


By phamngu on October 28, 2007


Hình như khi kể lại chuyện cũ, những người trong cuộc và chứng nhân chẳng bao giờ hiểu và nhìn thấy sự thật đã diễn ra thế nào. Là người trong cuộc, họ sẽ giải thích quá khứ theo cái nhìn mà họ muốn thấy. Là chứng nhân, họ sẽ kể lại sự việc theo ấn tượng mà họ muốn hiểu. Và sự thật thường không như những gì ta muốn thấy hoặc hiểu. Rashomon kể một câu chuyện như thế.

Đạo diễn Kurosawa kể câu chuyện qua lời thuật lại của ba người trong cuộc (tên cướp Tajomaru và một cặp vợ chồng) và những người tình cờ chứng kiến thảm kịch của họ. Kịch bản không cho người xem biết chắc thật sự điều gì đã xảy ra. Lời khai của các nhân vật mâu thuẫn nhau, câu nói đầu tiên trong phim là “Tôi không hiểu”, buộc khán giả phải tự tìm lấy sự thật, nếu muốn tìm và nếu có một sự thật nào đó.


Rashomon kể câu chuyện qua ba thời điểm khác nhau: lúc sự việc xảy ra trong rừng, lúc những người biết chuyện hồi tưởng lại nơi công đường, và lúc ba người dân thường ở cổng thành tìm cách giải thích biến cố chính. Kurosawa sử dụng tương phản tam giác một cách tài tình. Tương phản giữa tên cướp và hai vợ chồng, chuyển sang cuộc đối chọi tay đôi - tên cướp và người chồng hoặc người vợ, hoặc giữa hai vợ chồng - nhưng ống kính dồn dập hoán đổi vai trò chính diện cho từng nhân vật dưới bóng cây loang lổ để mô tả tình huống và xung đột nội tâm của từng người. Tương phản giữa anh tiều phu bối rối vì những gì đã chứng kiến tận mắt, nghe tận tai và có can dự phần nào, với nhà sư hoang mang và tiếc thương cho kiếp người, với gã thường dân ranh mãnh và tỉnh táo của kẻ ngoài cuộc. Tương phản giữa ánh nắng lấp loáng làm nhạt nhoà sự thật trong rừng, với màu đen trắng sắc nét và phi thực giữa chốn công đình, với hiện thực mưa tầm tã nơi cổng thành cao vút và con người nhỏ bé bên dưới.


Cách đặt máy quay trong phim của Kurosawa luôn luôn tạo được chiều sâu nhiều lớp trên màn ảnh. Chiếm cả khung ảnh là bầu trời vần vũ như tràn lên khán giả, và một vệt đen mỏng bên dưới là mặt đất có tên cướp Tajomaru hùng hổ phi ngựa từ xa. Hoặc cảnh trời mưa như trút ở Cổng La Sinh, cận ảnh là viên ngói vỡ dưới đất tung toé nước, ở góc xa là ba người ngồi bên cạnh đống lửa cùng bàn tán về một câu chuyện mà họ không hiểu. Đối nghịch với cảnh đó là sân nắng, nhưng lạnh lẽo của công đình, chỉ có cát bên dưới và vách tường trắng làm nền phía sau, nơi những người trong cuộc trực diện với khán giả để kể lại sự việc đã xảy ra. Hoặc lúc anh tiều phu vác rìu đi trong rừng, lúc tiến lại gần, lúc thấp thoáng xa xa, lúc giữa trời nắng rõ, lúc bóng cành lá lấp lánh trên mặt và trên cây rìu, trong tiếng nhạc giao hưởng Boléro của Maurice Ravel, lặp đi lặp lại cùng những nốt nhạc trong nhiều tiết tấu khác nhau, bằng những nhạc cụ khác nhau, như đang kể câu chuyện đời người qua nhiều góc cạnh. Khó có ai hiểu và dùng Boléro được như Kurosawa.

Nhân vật phản diện duy nhất trong Rashomon là gã thường dân từ cận ảnh chạy vào trú mưa dưới cổng. Hắn nghe anh tiều phu và nhà sư than thở, rồi biết câu chuyện hấp dẫn và tìm cách cật vấn để tìm ra sự thật. Hình như chúng ta cũng tò mò như gã, muốn biết sự thật và sẽ dùng khả năng phán đoán của mình để khăng khăng phải có một sự thật, và chỉ một sự thật đúng như nhận xét của mình. Có lẽ sự thật trong cuộc sống cũng nhoè nhoẹt và đổ nát như Cổng La Sinh.


Rashomon, 88 phút, 1950.

Đạo diễn: Kurosawa Akira.

Kịch bản: Kurosawa Akira, Hashimoto Shinobu.

Phỏng theo truyện ngắn Trong lùm cây và Rashomon của Akutagawa Ryunosuke.

Quay phim: Miyagawa Kazuo.

Diễn viên: Mifune Toshiro (Tajomaru),

Shimura Takashi (tiều phu), Chiaki Minoru (nhà sư),

Kyo Machiko (người vợ), Mori Masayuki (người chồng),

Honma Fumiko (người lên đồng), Kato Daisuke (nha dịch),

Ueda Kichijiro (thường dân).


"Rashomon" (Lã Sanh Môn)



Nguồn: The Criterion
Dịch bởi: huongduong1412 @ DienAnh.Net



Click this bar to view the original image of 800x451px.


Khi Kurosawa Arika thực hiện bộ phim “Lã Sanh Môn” (Rashomon), ông đã là một đạo diễn 40 tuổi và gần như chỉ mới là bắt đầu cho một sự nghiệp, sẽ kéo dài suốt 50 năm với việc thực hiện một số bộ phim vĩ đại, có tác động to lớn và ảnh hưởng sâu sắc đến ngành sản xuất phim ảnh trên toàn thế giới. “Lã Sanh Môn” nổi bật từ thời kỳ “đi làm thuê” trong sự nghiệp của Kurosawa. Từ năm 1949 đến năm 1951, Kurosawa đã cắt đứt quan hệ với Toho, hãng phim mà ông đã khởi nghiệp và cũng là nơi ông thực hiện phần lớn những bộ phim của mình. Trong khoảng thời gian này, Kurosawa đã hợp tác với các hãng phim Shochiku, Shin Toho, và Daiei. Daiei có phần miễn cưỡng khi đầu tư cho “Lã Sanh Môn”, vì nhận ra ý tưởng của bộ phim quá khác thường và sợ là khán giả sẽ khó hiểu. Sự lo ngại này là có căn cứ khi “Lã Sanh Môn” là một trong những bộ phim tiêu tốn nhiều tiền nhất của Daiei trong năm 1950.

Bộ phim có sự độc đáo, thậm chí mới mẻ trong dàn dựng, nhưng những tính chất này chỉ giúp danh tiếng của bộ phim vươn xa ở nước ngoài, tại thời điểm mà điện ảnh nghệ thuật đã vươn lên như một lực lượng mạnh mẽ, với những hệ thống rạp chiếu phim quốc tế. Một cách miễn cưỡng, Daiei đã đưa bộ phim đi tranh tài ở liên hoan phim nước ngoài. Khi giành được giải cao nhất tại Liên hoan Venice uy tín năm 1951, “Lã Sanh Môn” đã loan báo tài năng của Kurosawa, báu vật của điện ảnh Nhật Bản, một cách rộng rãi trên toàn thế giới. Phần còn lại, như họ đã nói, là lịch sử.

Như hầu hết những bộ phim của Kurosawa, “Lã Sanh Môn” dựa trên hai quyển truyện của tác giả Akutagawa Ryunosuke, viết về giai đoạn khủng hoảng xã hội – bệnh dịch, hỏa hoạn, nội chiến – trong thế kỷ 11 ở Nhật. Đây là thời kỳ mà Kurosawa đã sử dụng để biểu lộ sự giới hạn của bản chất con người. Bộ phim mở đầu với ba nhân vật đang trú ẩn để tránh cơn mưa dông (chưa bao giờ có một cơn mưa nhỏ trong một bộ phim của Kurosawa!) bên dưới cánh cổng của Lã Sanh Môn đổ nát, trấn giữ lối vào phía nam của kinh đô. Trong khi đợi cơn bão qua đi, vị hòa thượng (Minoru Chiaki), người tiều phu (Takashi Shimura), và một thường dân (Ueda Kichijiro) đã thảo luận về tội ác xôn xao dư luận gần đây – một phụ nữ quý tộc bị cưỡng bức trong rừng, chồng của người thiếu phụ ấy (Mori Masayuki) – một samurai (kiếm sĩ) cũng bị giết chết. Đây là kết quả của một vụ giết người hoặc tự sát, và tên trộm Tajomaru (Mifune Toshiro) đã bị bắt vì tội ác này.

Khi bộ phim được trình chiếu tại Liên hoan phim Venice và sau đó công chiếu quốc tế, đã gây ấn tượng mạnh với khán giả. Chưa ai từng xem một bộ phim như thế bao giờ. Trước hết là sự táo bạo của bộ phim, cách tiếp cận, tường thuật độc đáo để thể hiện chi tiết của tội ác liên quan đến người đốn củi, người phụ nữ, Tajomaru và hồn ma của người chồng. Theo cách đó, câu chuyện liên tục được hồi tưởng lại, với hơn bốn lần, cùng một chuỗi các sự kiện. Tuy nhiên mỗi người đã thuật lại câu chuyện một cách khác nhau. Tầm nhìn chiến lược của Kurosawa đã có ảnh hưởng rất lớn đến điện ảnh và văn hóa khi ông đã để lại cho điện ảnh và truyền hình thế giới một tác phẩm tự sự nổi bật – nhiều cảnh hồi tưởng phức tạp về một sự kiện then chốt không đủ để kết hợp lại với nhau. Vô số phim điện ảnh và truyền hình đã làm lại từ “Lã Sanh Môn” bằng cách kết hợp những đoạn hồi tưởng mâu thuẫn của những người kể chuyện không đáng tin cậy

Nhưng “Lã Sanh Môn” tạo ra ảnh hưởng nhiều hơn không chỉ ở các rạp. Bộ phim đã có sự tác động rất lớn đến văn hóa hiện đại. Đây là bộ phim hiếm hoi đã vượt qua vai trò của một bộ phim. “Lã Sanh Môn” đã đi vào cách nói thông thường của văn hóa hàng ngày, tượng trưng cho khái niệm về tính tương đối của sự thật, sự không chắc chắn, chủ quan không thể tránh được của trí nhớ. Trong lĩnh vực pháp lý, các luật sư và thẩm phán thường nói về “hiệu ứng Lã Sanh Môn” khi các nhân chứng đã chứng kiến tội ác gây khó khăn cho họ với những lời khai mâu thuẫn.

Hơn nữa, cấu trúc tự sự độc đáo của bộ phim khẳng định rõ đây là một tác phẩm hiện đại, góp phần vào việc phát triển nghệ thuật dựng phim điện ảnh của thế giới, mà đã thay đổi hoàn toàn từ giữa những năm 50. Với “Lã Sanh Môn” cùng những bộ phim kế tiếp, Kurosawa được xếp vào một trong những nhân vật quốc tế hàng đầu của điện ảnh nghệ thuật cùng với Ingmar Bergman, Federico Fellini, Michelangelo Antonioni, và Satyajit Ray. Như những tác phẩm của họ, “Lã Sanh Môn” còn hơn là một phim thương mại giải trí. Đó là một bộ phim của những ý tưởng, được tạo ra bởi một nghệ sĩ nghiêm túc với một sự dàn dựng công phu.

Nhưng đây không chỉ là một câu chuyện tự sự mới mẻ để gây ấn tượng với khán giả và giúp bộ phim trở thành tác phẩm kinh điển. Đó còn là tầm nhìn rộng lớn, tinh tế và tài năng mà Kurosawa đã mang đến cho những cảnh quay. Là tác phẩm hay nhất của Kurosawa, “Lã Sanh Môn” đã cho thấy một nhãn quan khác thường. Không ai quay phim trong rừng như Kurosawa. Cảnh phim chiếu thẳng về phía mặt trời làm cho ống kính máy quay lóe sáng, tìm kiếm những tia sáng lọt qua bóng tối trong rừng, tạo ra những bụi cây rậm rạp như là phép ẩn dụ đầy thi vị cho những quy luật của dục vọng và nghiệp chướng mà con người mắc phải. Và trên tất cả, với việc sử dụng ánh sáng và sự di chuyển máy quay như một điệp khúc thôi miên giữa khu rừng không hề bằng phẳng, Kurosawa đã mang đến cho “Lã Sanh Môn” những hình ảnh rực rỡ, nhấn mạnh thị giác, những điều chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ qua. Tất cả các nhà phê bình khi xem bộ phim trong lần đầu tiên nó được công chiếu, đều cảm thấy buộc phải nhận xét theo vẻ đẹp trực quan trong những hình ảnh của Kurosawa.

Trong “Lã Sanh Môn”, Kurosawa đã có chủ ý thử khôi phục và tái tạo lại nét đẹp thẩm mỹ trong việc làm phim không tiếng. Do đó, kỹ thuật quay phim (nhờ tài năng của Miyagawa Kazuo) và dựng phim là vô cùng quan trọng, và nhiều đoạn được dàn dựng như những cảnh phim thuần túy của một bộ phim không có lời thoại, trong đó các hình ảnh, âm thanh xung quanh, và phần nhạc phim của Hayasaka Fumio được lồng ghép vào. Một trong những phần hay nhất là một loạt các cảnh, có được do sự di chuyển máy quay liên tục, theo sau người tiều phu trong rừng trước khi ông ấy chứng kiến tội ác. Những cảnh quay này, theo phong cách của Kurosawa , đã dẫn dắt người xem “vào một thế giới mà tâm hồn con người mất đi theo cách của nó.” Chỉ có Kurosawa với sự táo bạo nhất đã tạo ra một loạt cảnh chuyển động – của máy quay, nhân vật, và lá cây trong rừng – trở thành điểm nhấn và chủ đề của cảnh quay. Sự cuốn hút, hồi hộp, phong nhã, và sự thay đổi liên tục của bộ phim đã trở thành một trong số những cảnh quay chuyển động tuyệt vời nhất trong lịch sử điện ảnh.

Phong cách của Kurosawa không phải là một sự hoa mỹ trống rỗng. Sự sáng tạo xuất sắc trong những tác phẩm của ông là luôn luôn quan tâm đến động cơ thúc đẩy – đó là lý do mà Kurosawa trở thành một nhà làm phim vĩ đại. Giống như tất cả những tác phẩm nổi bật của Kurosawa, trong “Lã Sanh Môn”, ông đã phản ứng lại với thế giới của chính mình , như một nghệ sĩ, nhà luân lý học. Chiến tranh thế giới thứ hai đã tàn phá Nhật Bản, trong hoàn cảnh này, Kurosawa đã đi vào khai thác sự xuống cấp của đạo đức. Với tham vọng nghệ thuật tuyệt vời, một loạt những bộ phim ("No Regrets for Our Youth", "Drunken Angel", "Stray Dog") của Kurosawa đã soi sáng cho sự hỗn loạn, vô vọng của thời đại, với câu chuyện về chủ nghĩa anh hùng cá nhân để đưa ra biểu tượng cho sự khôi phục xã hội. Những anh hùng trong các bộ phim đã giữ vai trò là hình mẫu cho các thế hệ sau chiến tranh, như phong cách nghệ thuật mà Kurosawa đã theo đuổi, để tạo ra gia tài của sự hy vọng cho một quốc gia đã bị tàn phá.

Chủ nghĩa anh hùng và tham vọng khôi phục xã hội là những gì mà các bộ phim đã thể hiện, tuy nhiên, luôn phải đấu tranh với một hiện thực tăm tối. Chuyện gì nếu thế giới không thể thay đổi bởi chính sự yếu đuối và dễ lạc lối của con người? Những bộ phim của Kurosawa thường có chiều hướng bi thương, bắt nguồn từ bản thân ông đã có những thời điểm bi quan về bản chất của con người. Và “Lã Sanh Môn” là tác phẩm đầu tiên mà Kurosawa đã thể hiện tất cả sự bi quan của mình. Bị ám ảnh bởi khuynh hướng dối trá và lừa đảo của con người, Kurosawa trong phim đã tạo ra một câu chuyện mà cái tôi, sự tráo trở, tính kiêu căng tự phụ của các nhân vật làm cho thế giới thành địa ngục và sự thật là một điều khó có thể tìm thấy. Lời khai về tội ác của ai là đáng tin cậy? Ai là người nói đúng? Không ai có thể nói được – tất cả đã bị bóp méo theo cách mà người tường thuật muốn đề cao.

Đây thực sự là một khả năng quan sát sự xấu xa – thế giới tan vào hư vô với sự ảo tưởng về cái tôi to lớn, như những cái bóng trong một cảnh quay thay đổi liên tục. Một sự miêu tả bóng tối sinh động, thậm chí quá nhiều với Kurosawa (so với sự nghiệp của ông tại thời điểm đó, nhưng không lâu sau ông ấy đã làm bộ phim “Ran”). Như vậy tại thời khắc cuối cùng, Kurosawa đã thu lại sự tăm tối và thay đổi. Người tiều phu (do Shimura Takashi diễn, là nguồn gốc đạo đức trọng tâm trong những bộ phim của Kurosawa ở thập niên 40 và đầu thập niên 50) đã quyết định nhận nuôi đứa bé bị bỏ rơi, và khi ông ra đi cùng đứa bé, cơn bão cũng đã tan. Hành động đầy lòng trắc ẩn này đã làm thay đổi thế giới – đây là lý tưởng anh hùng của Kurosawa. Tuy nhiên, như thế đã đủ chưa? Mỗi khán giả của “Lã Sanh Môn” phải quyết định dù có sự đột ngột chuyển hướng ở cuối phim như là một giải pháp có sức thuyết phục với sự phân vân giữa nhận thức và luân lý.

Dù mọi người lựa chọn thế nào về kết thúc của bộ phim thì “Lã Sanh Môn” thực sự là một tác phẩm kinh điển của điện ảnh thế giới. Sự vĩ đại của bộ phim là điều chắc chắn và không thể phủ nhận. Phong cách tự sự độc đáo, chuyển động liên tục và nhãn quan của Kurosawa giúp thay đổi bộ mặt của điện ảnh. Và đáng kinh ngạc, Kurosawa khi đó vẫn là một nhà làm phim trẻ - có nhiều giá trị vẫn chưa được khai thác hết.



No comments:

Post a Comment