REAR WINDOW

Tác giả: Andre Bazin


Không còn nghi ngờ gi nữa, Rear Window chính là bộ phim hoàn chỉnh về mặt kĩ thuật nhất của Alfred Hitchcock tính tới thời điểm này. Ngay cả tính liên tục trong kịch bản của Rope cũng chưa thể sánh được với một loạt những rắc rối về kĩ thuật mà Hitchcock đã giải quyết ở đây. Ý tưởng cơ bản của kịch bản phim nằm ở phần dàn dựng được chia ra thành một loạt các tiểu tiết liên quan đến xây dựng phim trường, quay phim và âm thanh.






Một nhiếp ảnh gia nổi tiếng tại New York đang trong tình trạng gần như bất động vì chấn thương một bên chân. Anh buộc phải ngồi một chỗ trong căn hộ của mình cho tới khi nào chân anh có thể di chuyển lại được mới thôi. Thương tật tạm thời này lại là niềm hạnh phúc đối với vị hôn thê duyên dáng của anh, bởi lẻ cô luôn cố thuyết phục anh từ bỏ những chuyến hành trình dài ngày của mình và kết hôn với cô. Tuy vậy, những cuộc viếng thăm thường xuyên của cô vẫn không đủ sức làm anh chàng phóng viên kia phân tâm từ những cảnh tượng anh ta chứng kiến trong các căn hộ đối diện. Bên ngoài trời rất nóng, vậy nên cửa sổ luôn được mở ra. Dòm ngó vào cuộc sống riêng tư của hàng xóm láng giềng không phải là một loại nghề nghiệp đúng đắn cho lắm, tuy vậy, nó lại là một công việc rất hấp dẫn. Chúng ta thấy được một cặp đôi không có con - họ đã luyện cho chú chó nhỏ của mình đi vệ sinh tại sân vườn phía dưới cách đó hai tầng lầu bằng cách đặt nó vào một cái giỏ được dùng như một chiếc thang máy; một nghệ sĩ piano thất vọng vào tình yêu chỉ biết chôn vùi những kỉ niệm đau buồn vào trong rượu chè; một quý cô với trái tim cô đơn - người luôn chuẩn bị bữa tối với hai phần ăn mà tại đó cô đồng thời cũng là khách mời; một cặp vợ chồng trẻ trong một căn hộ mà rèm cửa luôn được mở rộng và đèn lúc nào cũng được thắp sáng; một cô vũ công - người mẫu luôn tổ chức những bữa party náo nhiệt trong các bộ quần áo ngắn cũn cỡn đã góp phần đem tới một cảnh tượng rất thú vị. Và cuối cùng là một nhân viên bán hàng du lịch luôn phải chăm nom cho bà vợ đanh đá, hay gắt gỏng của ông với một sự tận tụy tới mức đáng tội nghiệp. Những căn bệnh tưởng tượng của bà ngày càng làm cho ông chồng thêm bực bội. Mọi tình tiết chính của câu chuyện đều bắt nguồn từ cặp đôi này mà ra. Một đêm nọ, anh chàng phóng viên của chúng ta bắt gặp ông chồng nọ liên tục rời khỏi căn hộ của mình, trên tay luôn xách theo một chiếc vali nhỏ. Những lần di chuyển tới lui này đã kích thích trí tò mò của chàng phóng viên. Sáng hôm sau, cửa sổ bên phía phòng người vợ vẫn còn đóng kín, ông chồng còn đang mải lau chùi nhà cửa. Hiển nhiên là người vợ đã không còn ở đó nữa. Vị thám tử nghiệp dư của chúng ta rút ra rằng bà đã bị chồng mình sát hại và thi thể bị chặt đứt. Hoặc cũng có thể đơn giản là bà đã làm một chuyến du lịch ở đâu đó mà thôi. Thực ra thì đó là kết luận từ một thám tử tư chuyên nghiệp - bạn thân của anh phóng viên kia. Suy luận này không đủ sức làm thỏa mãn nhân vật nam chính cũng như vị hôn thê của anh - người đang dần dần bị thu hút bởi sự việc bí ẩn trên.

Có lẽ tôi không cần phải nói thêm gì nữa. Bản tóm tắt trên đã vừa đủ để tôi làm bài bình luận của mình mà không làm lộ đến cốt truyện. Mặc dù đây chưa hẳn là một bộ phim trinh thám giật gân kiểu như Diabolique, ta có thể xem Rear Window tới lui nhiều lần, ngay cả khi đã biết được đoạn kết của bộ phim.

Hitchcock đã thai nghén kịch bản và quay phim từ quan điểm của nhân vật chính. Bộ phim chỉ cho phép chúng ta nghe và nhìn thấy những gì mà James Stewart cảm nhận được khi ngồi trên chiếc xe lăn của anh. Tuy nhiên, đây không phải là một bộ phim kiểu "first person" hay thậm chí là một bộ phim được đặt dưới góc nhìn chủ quan. Những quan điểm của James đều rất khách quan. Người xem có thể đứng cạnh James nhận thức mọi việc đang diễn ra chứ không bị chi phối bởi những dòng suy nghĩ của anh. Sự tinh tế của câu chuyện nằm ở chỗ James phải tìm mọi cách hòng tái hiện lại động cơ lẫn phương pháp giết người chỉ thông qua việc theo dõi từ xa và những phần quan sát lẻ tẻ, đứt đoạn.





Để làm cho các sự kiện trên trở nên khả thi và liên hoàn, cho phép cái nhìn ám chỉ về tập hợp đời sống các cá nhân thuộc khu chung cu nhìn từ khung cửa sổ đó, Hitchcock đã xây dựng nên một phim trường rất tỉ mỉ, vừa mang tính thực tế cao lại vừa làm cho từng manh mối được suy ra một cách vô cùng hợp lý. Ví dụ như cảnh đường phố nhìn từ khe hở giữa hai bức tường chẳng hạn. Sẽ rất đau đầu nếu quan sát chủ thể từ một khoảng cách xa như vậy. Rất là cần thiết để có thể thay đổi khung hình của từng cảnh quay mà không cần phải đi vào từng căn hộ một hoặc thông qua những giả định ban đầu. Hitchcock đã vượt qua vấn đề này chỉ qua một ý tưởng kĩ thuật đơn giản mà cực kì hiệu quả. Nghề nghiệp của James Stewart cho phép anh sở hữu một chiếc ống nhòm chuyên dụng và cả một loại thấu kính dành cho camera phản xạ. Do đó mà những thay đổi của thấu kính lẫn những cú quay cận cảnh đều được thông qua rất logic.





Cách dụng màu sắc cũng rất tuyệt vời, thể hiện qua những hiệu ứng kịch tính đầy ấn tượng. Giả dụ như sự hiện hữu của kẻ sát nhân trong căn phòng tối chỉ hiện lên qua thứ ánh sáng màu đỏ nhạt từ điếu cigar hay sự phản chiếu từ cặp kính mắt của hắn ta, và ngay cả trong kết cấu kịch bản nữa. James stewart rút ra kết luận thi thể nạn nhân đã được chôn giấu đâu đó trong sân vườn bằng cách so sánh màu sắc của hàng hoa bách nhật phía dưới cùng với những đóa hoa mọc lên tại cùng vị trí được hái cách đó mấy ngày.

Còn nữa, từ vị trí quan sát của mình, James chỉ có thể "nhìn" chứ không phải "nghe". Phần lớn chiều dài bộ phim đều ở trong tình trạng lặng thinh. Vì lý do trên, lời thoại đều phải được hiểu bởi cử chỉ, điệu bộ. Chúng ta đã làm được điều này khá tốt. Tuy nhiên, phần âm thanh vẫn chưa bị loại bỏ hoàn toàn. Mặc dù chúng ta không thể nghe và hiểu được từng từ cụ thể, chúng vẫn lọt vào tai ta với những thứ tiếng động như bị bóp nghẹt kèm theo các ngữ điệu. Một loạt những âm điệu ngân nga vang rền bổ sung vào hiệu quả thính giác của các cảnh quay giới hạn một cách kĩ lưỡng, thực tế.

Trên hết tất thảy những chi tiết giật gân trên, Rear Window thật sự là một công trình kiến trúc điện ảnh phức tạp, tinh vi, khiến cho người ta không khỏi đem lòng ngưỡng mộ. Dẫu vậy, chúng ta vẫn cần phải nhìn nhận giá trị thực của nó qua những rắc rối nảy sinh mà Hitchcock phải tìm cách giải quyết.

Bất chấp văn tài cũng như sự bền bỉ của các nhà phê bình phim thuộc trường phái Hitchcock-Hawksian, tôi phải thừa nhận một điều là tôi yêu thích tất cả mọi thứ từ bộ phim tuyệt diệu này. Tôi nhận ra nhiều yếu tố rất thuyết phục. Kịch bản phim có thể được chia ra làm 3 chủ đề chính được đan cài vào nhau chặt chẽ, tách bạch. Trước tiên là chủ đề giới tính: mối quan hệ giữa Grace Kelly - một phụ nữ thông minh, duyên dáng phải lòng James Stewart - người luôn tìm mọi cách thoát khỏi sự cám dỗ từ cô nhưng vẫn không hề tìm cách chối bỏ nó. Mối quan hệ này nhất thiết phải được diễn đạt theo phương thức biểu trưng nhưng vẫn phải bảo đảm tính nhất quán về mặt tâm sinh lý, làm cho khán giả không hề thấy nghi ngờ.


Grace Kelly trong vai một phụ nữ bướng bỉnh, ngang ngạnh, dùng mọi cách quyến rủ James Stewart, trong khi anh này lại luôn nghĩ rằng cái chân nạng lẫn vấn đề hôn nhân đều rất phiền phức, chỉ tổ làm rối rắm, xáo trộn công việc điều tra của anh mà thôi. Xét về tính gợi cảm, độ táo bạo của nó thì không một phim nào trước đó của Mỹ khả dĩ có thể sánh ngang được. Hai mối liên hệ tình cảm thuộc chủ đề trên được lặp lại thông qua những nhân vật phụ: cô nàng vũ công thích phô trương và cặp đôi không bao giờ thấy thỏa mãn.


Điều mà tôi muốn đề xuất ở chủ đề tiếp theo của Rear Window đó là sự thiếu đồng nhất. Tôi muốn nói đến phần tiểu sử riêng lẻ của các nhân vật phụ nhìn từ khung cửa sổ căn hộ nhà James. Đây chính là mặt hạn chế lớn nhất của bộ phim. Phong cách bóng bẩy của nó rất hiển nhiên, mặt khác cũng không kém phần phiền hà, dễ làm cho người ta phát cáu. Nó mặc nhiên đối kháng với phần chủ đề trước đó, dẫn đến tình trạng nhượng bộ về mặt đạo đức xã hội luôn tiềm ẩn trong lòng Hollywood. Ta có thể cảm nhận được mong muốn đan kết một chuỗi các bản phác thảo hoàn chỉnh xảy ra đông thời với phần tình tiết câu chuyện đang dần được hé mở một cách khéo léo. Khi bộ phim kết thúc thì cũng là lúc chúng ta hoàn toàn nắm được hết những chi tiết liên quan đến quá khứ, tương lai của các nhân vật mà ta chỉ mới lướt nhìn thoáng qua. Tất cả đều được phơi bày ra ánh sáng, không còn chút gì mơ hồ do thông tin thiếu sót cả. Chẳng phải chúng ta ai nấy đều khao khát cái cảm giác tươi mới khi không biết chút gì về ai đó, luôn bị đặt trong tình trạng hồi hộp đợi chờ đó sao? Điều này còn cho phép các nhân vật trên có được sự tồn tại vượt ra ngoài phạm vi kịch bản phim.

Xét dưới góc độ một bộ phim trinh thám, đây là một tác phẩm mẫu mực, nó thậm chí còn thổi một luồng sinh khí mới mẻ vào bộ phim thông qua cách thức thể hiện. Việc chú chó nhỏ bị đầu độc - nhân vật bất đắc dĩ trở thành một nhân chứng ầm ĩ từ lúc nó bắt đầu đào bới lung tung mảnh đất trong sân vườn - là ví dụ tài tình, rõ nét nhất. Chúng ta tìm thấy bản thân trong tình trạng phải đối mặt với một mục tiêu được nhân đôi. Mục tiêu thứ nhất khá là rõ ràng, người xem được chứng kiến một phân cảnh rất cảm động: đó là khi chủ nhân của chú chó nhỏ phát hiện ra xác chết của nó. Mục tiêu thứ hai lại được nêu lên một cách gián tiếp và chỉ hiện lên qua sự phản ánh. Cho tới tận bây giờ, thủ phạm lại có vẻ đáng thương hơn là đáng ghét, trong khi James lại là một anh chàng khá tồi - như thể một ủy viên ban trật tự vậy. Chúng ta đều sẵn lòng tha thứ cho người đàn ông tội nghiệp kia khi ông ta tự giải thoát mình khỏi người vợ trái tính trái nết. Dưới tài chỉ đạo của Hitchcock, phương diện tâm lí trong Rear Window đã được lèo lái theo một phương hướng rất đúng đắn. Khi mà nhân vật phản diện một lần nữa nhận được sự đồng tình, "thủ phạm" cũng dần từ bỏ được định kiến cá nhân. Hành động thủ tiêu chú chó nhỏ mới là chi tiết đắt giá khơi gợi lòng thương xót trong khán giả nhiều nhất, trong khi vụ việc người phụ nữ bị thủ tiêu rồi chặt chân tay lại không hề gieo vào ta những cảm xúc tương tự.


Như vậy có thể nói Rear Window là một bộ phim 3 trong 1. Phần câu chuyện về mối quan hệ gợi cảm giữa hai nhân vật nam nữ chính hoàn toàn xuất sắc, một tác phẩm trinh thám khéo léo mà mẫu mực, và cuối cùng là một bộ phim chứa đựng các bản thảo chi tiết đã được xây dựng rất chu đáo mà bất kì ai cũng đều có thể tìm thấy nhân vật của mình trong đó. Việc xếp chồng các yếu tố trên lên nhau giúp thiết lập nên một bộ phim vượt lên hẳn tầm vóc một bộ phim đáng trân trọng, đáng tiếc thay, nó lại thiếu mất tính chân thực. Dựa theo tiêu chuẩn đó mà nói, đáng lý ra Rear Window đã có thể vượt lên trên tiêu chuẩn giải trí thông thường!
(trích từ "The cinema of cruelty: From Buñuel to Hitchcock")