Thursday, October 20, 2011

Breathless

Jean-Luc Godard và Breathless


by Trần Trà
Jean-Luc Godard, sinh ngày 3 tháng 12 năm 1930 tại thủ đô Paris nước Pháp, là một nhà phê bình rất dữ dội và đòi hỏi những tiêu chuẩn và yêu cầu cao. Ông trở thành một nhà làm phim khiêu khích nhất của phong trào Làn sóng mới. Trong số những tác phẩm đầu tiên của ông, chỉ có phim Breathless được nhiều thành công đáng chú ý, đặc biệt là về mặt tài chính.
Bộ phim này cũng được công nhận là bộ phim của phong trào Làn sóng mới nhờ kỹ thuật quay phim bằng máy camera tay, dựng phim kiểu ngắt đoạn và sự kính trọng dành cho các bộ phim Jean-Pierre Melville và Monogram B. Trong thập kỷ tiếp theo, tác phẩm của Godard nêu ra những vấn đề cơ bản về nghệ thuật kể chuyện.
Chúng ta sẽ phân tích rõ những điều này qua bộ phim Breathless của ông.
Trước tiên, ta nói về nghệ thuật kể chuyện tự sự của bộ phim. Theo Jean-Luc Godard, thì “Một phim cần phải có phần mở đầu, phần giữa và phần kết thúc – Nhưng không nhất thiết phải đi theo trình tự ấy”. Đây đã trở thành lời tuyên bố nổi tiếng của Godard. Ông đã đưa tư tưởng rất táo bạo này vào bộ phim Breathless, phá vỡ mọi quy luật dẫn truyện trên màn ảnh. Dù Breathless có cốt truyện khá đơn giản, song với cách kể này mà khiến nó không hề nhàm chán cho người xem. Câu chuyện vẫn rõ ràng, nhưng lại có nhiều tình tiết khó đoán trước, khiến người xem bị thu hút vào bộ phim.
Ngay cảnh mở đầu của Breathless thật sự đặc biệt, nó khiến chúng ta tò mò về nhân vật nam chính Michel Poiccard. Cảnh đầu tiên này chính là cột mốc để dẫn đến 1 loạt các biến cố mà ta sẽ được chứng kiến trong bộ phim. Ngay sau đó, là sự xuất hiện của một tờ báo với hình phụ nữ phủ kín màn hình, sau đó trượt xuống, để lộ bộ mặt của Michel Poiccard, miệng đang phì phà ngậm điếu thuốc lá, khi anh đang nhìn thế giới dưới vành mũ rakishly của mình. Anh xoay đầu, và quệt ngón tay cái qua đôi môi để bắt chước thần tượng của mình là Humphrey Bogart (một hành động kỳ lạ và khó hiểu _ phần nào đã cho ta một dự cảm rằng tính cách nhân vật này sẽ có gì đó rất đặc biệt). Nội dung chính của chuyện phim xoay quanh nhân vật chính là Michel Poiccard, một công dân vô trách nhiệm và là một kẻ trộm vặt. Sau khi ăn cắp một chiếc xe hơi ở Marseille, Michel đã bốc đồng bắn một cảnh sát; Anh ta bất đắc dĩ phải vượt biên giới. Không một xu dính túi, anh ta tìm đến cô bạn gái người Mỹ của mình là Patricia, một cô bé mồ côi_nhà báo sinh viên đầy tham vọng và là một người bán báo dạo trên đường phố Paris. Michel muốn Patricia đến Ý với anh ta, dụ dỗ cô về mặt tình cảm. Sau đó Patricia nói với Micheal rằng cô đã có thai với anh. Cô phát hiện ra Michel đang phải chạy trốn cảnh sát. Cuối cùng, cô phản bội anh, tố cáo anh với cảnh sát. Nhưng trước khi cảnh sát đến nơi, Patricia lại thú tội với Michel về những gì cô đã làm. Michel có phần cam chịu 1 cuộc sống trong tù, và không cố gắng để thoát ra khỏi nó. Cảnh sát bắn anh trên đường phố, và sau khi chạy trốn được 1 đoạn, Michel đã chết.
Nội dung chính thì chỉ có vậy, nhưng cách kể chuyện của Godard lại rất đặc biệt và mới lạ. Theo như cách kể chuyện của ông, thì người xem không thể đoán nhận được câu chuyện sẽ có cái kết đi đến đâu, nó dường như xa rời các chuẩn mực của phong cách cổ điển, xây dựng động cơ nhân vật khá mơ hồ và sa vào đối thoại vặt vãnh. Đầu tiên là khi Michel gây ra tai nạn cho một cảnh sát, ta có thể cảm nhận rằng nhân vật này không phải là người tốt. Sau đó khi giới thiệu nhân vật nữ Patricia, là một cô gái đang bán báo dạo trên đường, ta cảm nhận thấy đây là một cô gái hiền lành dễ mến, cả tin. Sau đó Michel tán tỉnh cô, về căn hộ của hai người, Michel cố tình quyến rũ để có thể ngủ với cô, khiến ta thêm một lần nữa có nhận định Michel có thể là một gã sở khanh, và Patricia thì cả tin có phần hơi ngu ngốc và đơn giản. Câu chuyện cứ được kể cứ theo hướng đấy, cho đến khi ta thấy Patricia có thái độ đồng tình với việc ăn cắp xe hơi của Michel, và nói dối cảnh sát để bao che cho Michel. Rồi giúp anh đi trốn và lại tố cáo với cảnh sát, để dẫn tới việc cái chết của Michel. Điều này lại cho thấy Patricia không phải là một người đơn giản, mà cô cũng có toan tính. Những tưởng cô giúp người yêu lẩn trốn, thực ra lại chỉ là một cái bẫy để cô tố cáo với cảnh sát, hòng tự bảo vệ quyền lợi bản thân được ở lại nước Pháp (theo như lời đe dọa của viên cảnh sát đối với cô). Phần nào đấy trong hành động tố cáo đó cũng không sai (bởi Michel cũng không phải là người vô tội), song ta lại không thể đồng tình bởi hành động đó không chân thật, mà mang tính như lừa người yêu của mình vào bẫy. Đến đây, ta thấy một bước chuyển trong cách khắc họa nhân vật, khiến ta thấy mơ hồ về tính cách nhân vật ( mà vốn ta đã ngầm mặc định từ đầu phim đến nay). Bất ngờ nữa, đó là Michel đang mong muốn cùng bạn gái trốn chạy cảnh sát, sau khi nghe Patricia nói đã tố cáo chỗ ẩn nấp của anh, lại có thái độ cam chịu bị bắt, chứ không phản kháng. Thêm một lần nữa, ta lại phân vân không biết nhận định về tính cách nhân vật từ đầu phim đến giờ có đúng hay không!?
Tóm lại, câu chuyện phim xây dựng một nhân vật nữ với tính cách khó hiểu, và có phần không tốt, song cách kể lại ngược lại, dẫn dụ người xem như thể Patricia là một cô gái đơn giản và tốt bụng, khiến người xem hoàn toàn lạc hướng và không thể ngờ đến cái kết bất ngờ như trong phim. Đây là một điều mới và độc đáo, tạo nên một trào lưu Làn sóng mới trong điện ảnh thời bấy giờ.
Điều tiếp theo tạo nên nét độc đáo của bộ phim, cũng như là một nét riêng của Godard và trào lưu Làn sóng mới, đó là một cái kết mở. Ở cảnh cuối bộ phim, khi Michel bị bắn và Patricia chạy tới, đã có đoạn hội thoại giữa hai người như sau:
MICHEL: Điều đó thực sự thật đáng khinh.
PATRICIA: Anh ta nói gì vậy?
VITAL: Anh ta nói, “Cô thật là đáng khinh”.
PATRICIA: “Đáng khinh” nghĩa là sao?
Sau đó, Patricia lặp lại cử chỉ dùng ngón tay quẹt lên môi giống như Michel, và đột ngột quay lưng lại phía chúng ta khi hình ảnh mở dần; Cô lặp lại hành động của 1 tên tội phạm (là Michel) một cách vô thức. Đoạn hội thoại với sự bất đồng ngôn ngữ, giữa Michel và cô bạn gái Patricia, dường như càng khắc họa thêm sự mông lung, mơ hồ trong nhận định tính cách của nhân vật. Breathless không chỉ tầm thường là một câu chuyện về tình yêu và phản bội. Dường như nó mang nghĩa rất thời đại lúc bấy giờ của bộ phim, về sự mông lung trong nhận định phương hướng sống của giới trẻ lúc bấy giờ; Rằng ranh giới giữa tốt và xấu rất mong manh, rằng đôi khi chính giới trẻ (hay Patricia và Michel) cũng không biết mình đang sống theo một cách tốt hay cách xấu, hành động đúng hay sai, như chính câu hỏi của Patricia: ”Đáng khinh nghĩa là sao?”, có lẽ chính cô cũng bị mắc kẹt không biết sống như thế nào để được gọi là đúng.
Nói về Breathless ta không thể không nói về các cảnh quay trong phim.
Mặc dù về một số phương diện, Breathless mô phỏng một dòng phim Hollywood những năm 1940 – dòng phim Noir – dòng phim mà phần lớn được làm ở các trường quay, nơi ánh sáng được chọn lọc có thể bao bọc các nhân vật trong một bầu không khí suy tư, thì Breathless lại tận dụng lối quay thực địa với ánh sáng sẵn có. Như ta biết, các phim Hollywood sử dụng hệ thống chiếu sáng 3 điểm là ánh sáng chủ chốt, ánh sáng bổ sung và ánh sáng nền, được kiểm soát chặt chẽ trong các phim dựng trường quay; Thì Breathless được quay hoàn toàn trên thực địa, ngay cả trong nội thất. Godard và nhà quay phim đã quyết định không thêm bất cứ một nguồn sáng nhân tạo nào trong dựng cảnh quay. Kết quả là ta nhận thấy khuôn mặt của các nhân vật đôi khi bị tối.
Quay phim tại thực địa, đặc biệt là cảnh quay trong căn hộ của Patricia ở đoạn đầu phim đã thể hiện rõ những yếu điểm về kỹ thuật, nó hạn chế về sự đa dạng cho góc nhìn và di chuyển của máy quay.
Song, để khắc phục yếu điểm này, Godard cũng tận dụng ưu thế của trang thiết bị di động mới – máy camera cầm tay. Trong phim nhiều cảnh sử dụng kỹ thuật quay phim này và cũng đã đạt hiệu quả. Ví dụ như ở các cảnh quay rung trên phố và máy camera theo sát chuyển động của nhân vật, dù có hơi thô ráp và không được mịn như cách quay máy truyền thống, song nó lại tạo cho người xem một cái nhìn sống động hòa đồng với nhịp của câu chuyện. Điều này cũng đã đưa việc quay phim mở ra một trang mới, bởi trước đó hầu như các nhà quay phim chỉ sử dụng máy cố định và chuyển cảnh bằng cách dựng.
Một trong những sáng tạo có ảnh hưởng nhất của Godard chính là thiết kế những cảnh quay trông rất bằng phẳng đến độ ngạc nhiên. Thêm vào đó, những cảnh quay ở phần đầu của phim lấy bối cảnh phòng trọ của Patricia cũng rất mới lạ, bởi việc sử dụng những bối cảnh đơn giản tại một căn phòng thực lúc bấy giờ cũng là một điều ít ai làm. Những cú đặc tả cận cảnh khuôn mặt 2 nhân vật chính cũng rất đắt, đặc biệt đặc tả khi Michel đưa tay lên môi và du di một cách bí hiểm.
Việc dựng phim của Godard còn gây ngạc nhiên hơn là việc dàn dựng cảnh.
Điểu đáng chú ý nhất trong Breathless, đó là khi Godard phá bỏ những quy tắc cơ bản của việc dựng phim nối tiếp, đáng chú ý là việc dứt bỏ các khuôn hình trong giữa các cảnh quay để tạo những cảnh quay ngắt đột ngột (jump-cut) để tạo những kiểu dựng nhảy vọt gây ấn tượng mạnh. Ví dụ như cảnh Michel phát hiện thấy người đàn ông đang xem bức ảnh tố cáo trên tờ báo, Godard đã chèn thêm vào một vài ánh mắt nhìn, điều này như một điểm nhấn giúp khán giả nhận ra rõ ràng hơn việc người đàn ông đã nhận ra Michel rất có thể sẽ tố giác anh. Hay các cảnh quay Michel và Patricia ngoài phố, khi Patricia ngoái nhìn tìm kiếm điều gì đó, các cảnh quay ngắt đột ngột càng làm lộ rõ lên vẻ mất phương hướng và mơ hồ của nhân vật (đúng như ý của tác giả).
Nói về việc sử dụng Jump-cut, Breathless đã khai thác lối cắt cảnh kiểu này khá nhiều lần trong phim. Trong một vài cảnh ở đầu bộ phim, khi Michel đến thăm một bạn gái cũ, việc cắt cảnh nhảy vọt đã chuyển vị trí của họ một cách đột ngột (Michel đang đứng từ 1 góc nhìn người bạn gái đang trang điểm, thì ở cảnh sau đã thấy Michel ngồi trên giường còn người bạn gái thì đứng dậy và đang nhìn vào anh, không có đoạn di chuyển của Michel từ vị trí anh nhìn bạn gái đến chiếc giường). Không chỉ có việc di chuyển vị trí máy quay, Godard còn đôi khi cắt bỏ một chút thời gian hoặc xáo trộn vị trí của các diễn viên, giúp nhịp phim sống động và đẩy nhanh hơn.
Âm thanh của Breathless cũng đặc biệt, Godard đã tạo ra những tiếng ồn xung quanh xen kẽ vào cuộc đối thoại trong những cảnh nhân vật ở ngoài phố. Điều này giúp Breathless dường như sống động và “đời” hơn.
Tóm lại, Godard đã kết hợp các cảnh quay trên sân khấu với chất liệu phim thời sự ( quảng cáo, tranh biếm họa, đám đông qua lại trên đường phố), thường chỉ có ít mối liên hệ đến cốt truyện. Godard đã pha trộn nhiều hơn những yếu tố truyền thống xuất phát từ nền văn hóa phổ thông, ví dụ như những tiểu thuyết trinh thám hoặc các bộ phim của Hollywood, với triết học hoặc nghệ thuật tiên phong.
Những mâu thuẫn, lạc đề và sự không thống nhất trong tác phẩm Godard lại dường như hợp lý, bởi xét riêng trong Breathless thì nó lại tạo thành một tổng thể thống nhất, giữa việc dựng phim không liên tục và các kỹ thuật phi truyền thống; Hơn nữa, các cú bước nhảy trong hình ảnh và âm thanh tạo ra lối trần thuật thô mộc khiến cho người xem có ý thức về sự lựa chọn phong cách của nó.
Breathless, không rõ mục đích, có phần tầm thường, song có thể nó đã trở thành một mô hình cho các đạo diễn nào muốn sáng tạo ra sự kính trọng hết sức ngẫu hứng và tái tạo lại đối với truyền thống Hollywood.
Thay lời kết:
Trong quá trình phát triển điện ảnh, đã có nhiều phim lớn và kinh điển. Một vài phim đã trở thành cột mốc. Trong giai đoạn Làn sóng mới, Breathless rõ ràng đã trở thành 1 phim được coi là cột mốc; Và Jean-Luc Godard, tác giả của bộ phim, rõ ràng đã thay đổi cách chúng ta – những người khán giả nhìn nhận thế giới xung quanh lúc bấy giờ.

No comments:

Post a Comment