Saturday, October 1, 2011

Vertigo

VERTIGO

Author: Roger Ebert(October 13, 1996)

"Did he train you? Did he rehearse you? Did he tell you what to do and what to say?"

Những lời trên được thốt ra từ một trái tim bị tổn thương nặng nề tại phần cuối bộ phim Vertigo của Alfred Hitchcock, và chúng ta hoàn toàn cảm thông với những lời đó vào thời điểm nó được nói ra. Một người đàn ông yêu một người phụ nữ không hề tồn tại, và bây giờ ông thốt ra những lời lẽ cay nghiệt kia với cô gái từng mạo nhận người yêu của ông. Thế nhưng mọi chuyện không dừng lại ở đó. cô gái đã đem lòng yêu ông. Về phần người đàn ông-vì vẫn ôm ấp bóng hình của người phụ nữ kia mà hờ hững với cô gái đứng trước mặt mình-cuối cùng đã đánh mất cả hai.



Ẩn dưới tất thảy những điểm chung trong phim Hitchcock còn có một đặc điểm đáng chú ý nữa. Hitchcock vốn nổi tiếng là đạo diễn có khả năng kiểm soát mọi vấn đề, đặc biệt là khi đề cập đến phụ nữ. Những nhân vật nữ trong phim của ông đều phản ánh một vài đặc trưng nhất định: đó đều là những cô gái với mái tóc vàng óng ả. Tất thảy bọn họ đều sở hữu thái độ lạnh lùng, thoáng chút xa xăm mơ hồ và đều toát lên phong thái quý phái lịch lãm. Họ đều bị giam hãm trong những bộ trang phục được kết hợp tinh tế giữa vẻ phong lưu đài các với sự bí ẩn đầy cám dỗ. Họ có khả năng thôi miên phái nam, những người thường xuyên có khuyết tật về thể chất hoặc tâm lí. Và sớm muộn gì, mỗi một nhân vật nữ của Hitchcock đều bị đem ra bỡn cợt.

Click this bar to view the original image of 800x438px.


Vertigo, vốn là 1 trong 3 bộ phim hay nhất của Alfred Hitchcock, và cũng là tác phẩm phản ánh một cách trực diện, thẳng thắn nhất với chủ đề xuất hiện thường xuyên trong phong cách nghệ thuật của Hitchcock. Nó nói về việc làm thế nào đạo diễn sử dụng, thấp thỏm lo ngại và cố gắng kiềm chế phái nữ. Hitchcock được đại diện bởi Scottie, người mang trong mình một vài khiếm khuyết về thể chất lẫn tâm lí (bệnh đau lưng và chứng sợ độ cao), người rơi vào sự ám ảnh trong tình yêu với một người phụ nữ- mà đó chẳng phải ai xa lạ, đó chính là người phụ nữ đại diện cho những gì tinh túy nhất mà Hitchcock hình dung và cố công xây dựng. Khi Scottie không thể có được cô, anh tìm ra một cô gái khác và quyết tâm biến đổi cô từ kiểu cách ăn mặc cho đến kiểu trang điểm, tóc tai, cách đi đứng cho tới khi cô trông hệt như người mà anh hằng mong muốn. Ngoài mẫu đất sét mà Scottie đang tạo thành hình, anh không quan tâm tới bất cứ thứ gì nữa. Anh thậm chí còn sẵn sàng đem cô ra làm vật tế cho thứ ảo mộng mà anh luôn đeo đuổi.

Và lẽ dĩ nhiên cái người phụ nữ mà Scottie đang xây dựng cùng với người mà anh mơ tưởng đều chỉ là một mà thôi. Tên cô là Judy. Cô từng được mướn để thủ vai Madeleine- một phần trong kế hoạch sát nhân mà Scot chẳng hề mảy may nghi ngờ. Cho tới khi Scottie phát giác ra sự thật, cơn giận trong anh bùng phát dữ dội đến mức không thể nào kiểm soát được. Anh ta gào lên những lời lẽ cay độc "Did he train you?". Mỗi một từ đều là một nhát dao xuyên thẳng vào tim anh, bởi lẽ người đàn bà mà Scottie hằng đêm mơ tưởng, luôn nghĩ đó chính là người dành cho mình lại chỉ là một ảo ảnh, vốn được tạo ra bởi bàn tay của một người đàn ông khác-Gavin. Thứ mà Gavin tước đoạt đi từ Scottie không chỉ là người mà anh yêu thương mà còn là giấc mơ cả đời anh.

Điều này đã góp phần tạo nên một nghịch lí về đạo đức luân thường tại phần trung tâm của bộ phim. Người đàn ông kia đã giành lấy hết tất cả những gì mà Scot luôn muốn làm cho người phụ nữ của mình. Và trong lúc tiến trình này đang tiếp diễn thì Judy lại dần chuyển lòng trung thành của cô từ Gavin sang Scottie. Tới phút cuối cùng, cô đã đóng trọn vai diễn của mình, không phải vì tiền mà là sự hy sinh cho tình yêu.



Tất cả những mối liên hệ tình cảm rối rắm này đều được dồn nén lại trong một cảnh quay thiết yếu nhất toàn bộ tác phẩm. Scottie là một thám tử tư San Fransisco nay đã nghỉ hưu, được Gavin thuê nhằm theo dõi Madeleine. Kết quả là tâm tư anh bị ám ảnh không ngừng bởi cô. Sau đó, Madeleine đột ngột qua đời. Một thời gian sau, Scottie gặp được Judy-cô gái trẻ giống Madeleine đến mức kinh ngạc. Có điều đây lại là một bản sao trần tục và có phần kém tao nhã hơn hẳn. Không hề nhận ra rằng 2 người chỉ là một, Scottie tán tỉnh cô gái, mời cô đi chơi và Judy dại dột chấp nhận. Trong suốt mối quan hệ kì lạ, có phần thầm lặng của họ, Judy bắt đầu động lòng và thực sự quan tâm đến anh, để rồi sau đó Scottie yêu cầu cô biến đổi bản thân thành Madeleine. Một lần nữa, Judy đã thủ cùng một vai diễn lần thứ hai.

Trong phòng khách sạn nơi Judy và Scottie gặp nhau xuất hiện một cảnh quay cực kì ấn tượng. Khắp cả căn phòng được thắp sáng bởi ánh đèn neon. Judy vừa bước vào phòng, Scott không được hài lòng lắm, anh muốn cô ăn mặc và để kiểu tóc giống hệt như Madeleine. Ánh mắt anh ta ngập tràn sự phấn khích. Judy chợt nhận ra rằng Scottie không xem cô như một người đàn bà mà chỉ là một vật thể. Nhưng cô chấp nhận tất cả vì cô thật lòng yêu anh. Cô liền vào phòng tắm sửa soạn lại rồi bước ra tiến tới chỗ Scottie. Lúc này khắp nơi được bao phủ bởi một làn sương mù màu xanh đầy ám ảnh, thật ra đó là ánh đèn neon. Đây là một hiệu ứng tạo sự ảo mộng.



Khi máy quay đặc tả gương mặt của Kim Novak (diễn tả nỗi đau đớn, buồn khổ lẫn mong muốn làm vừa lòng người yêu) và Stewart (lột tả khát khao, thỏa mãn khi được nắm quyền kiểm soát mọi thứ), tim tôi như bị giày xé thành trăm mảnh. Cả 2 đều là nô lệ của Gavin-người đàn ông không hề có mặt trong phòng lúc đó, kẻ đã nặn lên hình ảnh Madeleine hòng giết hại vợ mình.

Khi Scottie ôm "Madeleine" vào lòng, bối cảnh phim đều thay đổi, cho thấy Scott đang chìm vào vòng kí ức của riêng mình, chứ không phải cái căn phòng anh đang đứng. Phần âm nhạc của Bernard Hermann tạo nên được nỗi niềm mong mỏi thương nhớ và cũng đầy ám ảnh. Camera quay vòng xung quanh họ một cách vô vọng, tựa như những vòng pháo hoa trong các cơn ác mộng của Scottie vậy. Cảnh quay gây chóng mặt này khắc họa những tham vọng không có kết quả của con người, cưỡng ép cuộc sống không hề đem lại hạnh phúc cho chúng ta. Qua phân cảnh này (bao gồm tất cả các phương diện tâm lí, nghệ thuật lẫn kĩ thuật), có thể nói đây là lần duy nhất trong toàn bộ sự nghiệp của Hitchcock mà ông đã phơi bày hoàn toàn con người thật của ông, từ những xúc cảm mạnh mẽ đến nỗi đau buồn tuyệt vọng. Tôi tự hỏi liệu có phải là một sự trùng hợp hay không khi mà "Madeleine"-tên nhân vật nữ chính cũng chính là tên gọi của một loại bánh quy của Pháp (điều này gợi tôi nhớ đến những hồi ức mất mát trong quá khứ và những cảm xúc thương nhớ cứ tràn về).



Alfred Hitchcock đã đem những xúc cảm thường thấy nhất của con người như sự sợ hãi, cảm giác tội lỗi, sự thèm muốn gieo vào những cá nhân bình thường, biến chúng thành những hình ảnh biểu tượng nhiều hơn là ngôn từ. Nhân vật nam thường thấy nhất trong phim của ông là những người đàn ông vô cớ bị buộc tội và vướng vào vô số rắc rối, nó truyền cảm hứng sâu sắc hơn hẳn vô số các nhân vật anh hùng siêu nhân trong hàng loạt những bộ phim hành động hời hợt ngày nay.

Hitchcock thực sự là một nhà đạo diễn đại tài trong việc sử dụng hiệu ứng thị giác: ông dùng tới những hình ảnh đơn giản rồi vây quanh chúng với các ngữ cảnh tinh vi. Hãy lưu ý cách mà ông gợi ý cảm giác mất thăng bằng của Stewart. Bộ phim mở màn với cảnh Scottie đứng loạng choạng trên một cái thang nhìn xuống đường phố phía dưới với vẻ sợ hãi. Những đoạn hồi tường dần hé mở cho ta thấy lý do tại sao anh từ bỏ ngành cảnh sát. Một cái tháp chuông trong lúc anh đang thực thi nhiệm vụ đã làm anh kinh sợ tột độ. Hitchcock sáng tạo nên một cảnh quay nổi tiếng nhằm trình bày cách nhìn nhận vấn đề của ông: dùng một model bên trong cái tháp, phóng đại ống kính trong lúc kéo máy quay lùi lại phía sau, người xem thấy được cảnh những bức tường đang cùng lúc tiến tới và thụt lùi, khung cảnh này gợi nên ấn tượng như một cơn ác mộng kinh hoàng. Đó là chưa kể tới cái cách mà bộ phim gợi nên ý niệm về sự "rơi" (falling), khi Scottie lái xe trên ngọn đồi thuộc San Fransisco, nhưng chỉ toàn đi xuống chứ không đi lên bao giờ. Và Scott đã "rơi" vào vong xoáy tình yêu như vậy!



Một yếu tố nữa không kém phần quan trọng trong việc tạo nên thành công của Vertigo nhưng lại hiếm khi được bàn đến: bắt đầu từ thời điểm bí mật câu chuyện dần được hé lộ, bộ phim hầu như xoay quanh Judy-nỗi đau đớn, mất mát và cả cạm bẫy cô đang mắc vào. Hitchcock đã khéo léo thao tác các tình huống nhằm làm người xem hoàn toàn đồng cảm với sự sợ hãi của cả Judy lẫn Scottie khi hai người bước lên tháp chuông, và trong cái cách mà Judy trông có vẻ ít tội lỗi hơn Scottie. Mối nguy hiểm là ở chỗ người xem bắt đầu nhìn nhận Judy như một vật thể tương tự như Scott vậy.

Một cách rất thường xuyên, Hitchcock tỏ vẻ rất thích thú với việc dìm các cô gái của ông xuống bùn theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng: ông nhạo báng họ, làm rối tung đầu tóc, quần áo của họ như thể ông đang tự chĩa mũi dùi vào chính bái vật của mình. Judy trong Vertigo chính là đối tượng được Hitchcock bày tỏ sự đồng cảm, thương xót nhiều nhất trong số các nạn nhân nữ của ông. Từng có nhiều luồng ý kiến cho rằng Kim Novak diễn hơi cứng. Nhưng tôi cho rằng cô ấy đã hoàn thành xuất sắc vai trò của mình: hãy tự vấn bản thân bạn sẽ phản ứng, di chuyển, nói năng ra sao nếu cùng phải gánh chịu nỗi đau vô hình, nặng nề như cô ấy, rồi sau đó hãy nhìn lại Judy, bạn sẽ tìm được câu trả lời chính xác nhất!

No comments:

Post a Comment